Cập nhật 13/10/2012 12:00:00 SA

Thành công từ mô hình trồng hoa ly ở xã Vũ Di

Hoa ly là giống hoa cao cấp, giá bán tương đối cao, được sử dụng nhiều trong những buổi tiệc, lễ và nhất là dịp Tết. Tuy nhiên, giống hoa này chỉ phù hợp với điều kiện thời tiết ôn đới, khí hậu lạnh như Đà Lạt hay SaPa. Song, với quyết tâm, niềm đam mê và kiến thức học được, chị Nguyễn Thị Duyên, Ông Nguyễn Văn Xúc- xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường đã biến đồng đất nơi đây thành vùng trồng hoa ly, hoa loa kèn, mở ra một hướng đi mới cho nghề trồng hoa ở Vĩnh Tường

Hoa ly có nguồn gốc ôn đới nên điều kiện khí hậu thời tiết, nhất là thời vụ trồng có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng, ra nụ, nở hoa và cuối cùng là hiệu quả kinh tế. Hoa ly chịu rét khá, chịu nóng kém, có thể trồng được trên nhiều loại đất, nhưng đất nhiều mùn, thịt nhẹ là tốt nhất. Rễ hoa ăn nông nên cần chọn đất dễ thoát nước, độ pH thích hợp từ 6-7 (trừ các giống nhóm Phương Đông thích đất chua hơn, pH từ 5,5-6,5). Khi trồng lên luống rộng 120 -130 cm, trồng bằng củ với khoảng cách 15x20 cm; mỗi luống rạch 5-6 hàng, sâu 5-7cm, rạch xong tưới đủ nước, đợi ngấm rồi đặt củ vào hàng, sau đó lấp đất dày 5-7 cm
Hiện nay, theo khảo sát thì thị trường hoa ly rất rộng lớn, phong phú và đa dạng, bao gồm cả thị trường bình dân và thị trường cao cấp, với giá trung bình 30.000 - 40.000 đồng/cành, hiệu quả kinh tế một sào khoảng 15-20 triệu đồng/vụ, so với trồng lúa lợi nhuận cao gấp nhiều lần. Tuy nhiên, kỹ thuật trồng hoa ly không đơn giản và vốn đầu tư cũng gấp đôi, gấp ba các loại hoa khác. Hoa ly là giống cây ưa ẩm nhưng không chịu được úng nên đất trồng phải chọn vùng cao ráo, thông thoáng và có điều kiện tưới tiêu hợp lý. Trong quá trình trồng, chăm sóc hoa ly trước tiên phải chọn đất tốt để làm vườn, đất trồng hoa phải là nơi ráo nước, tơi, nhỏ và đánh luống cao khoảng 20cm, mỗi luống hoa rộng từ 70 - 80cm, cây cách cây 20cm. Thời điểm xuống giống hoa ly là cuối tháng 9 âm lịch, sau khoảng 3 tháng chăm sóc, hoa sẽ cho thu hoạch. Trong quá trình chăm sóc, mỗi ngày tưới nước 1 lần, cứ 7 - 10 ngày bón phân qua lá cho cây một lần. Ngoài ra, cần phải quan tâm phòng trừ sâu bệnh. Khi thời tiết rét đậm, rét hại cần thắp điện cả ngày lẫn đêm để giữ ấm cho hoa”.
Nhờ tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, nên mô hình trồng hoa ly của gia đình chị Nguyễn Thị Duyên đã thàng công và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hoa ít bị sâu bệnh gây hại, sinh trưởng, phát triển tốt, thân cây khỏe, nụ to, nếu chăm sóc tốt, mỗi cây có thể cho tới 6-7 bông. Với giá bán tại ruộng khoảng 30.000 đồng/cành; loại bông to, nhiều nụ xuất bán sang Trung Quốc, với giá 40.000-50.000 đồng/cành. Từ năm 2010 đến nay, với 3 ha hoa loa kèn, 4ha hoa ly, mỗi năm trừ mọi chi phí, gia đình chị thu lãi trên 3 tỷ đồng. Ngoài làm giàu cho gia đình, chị Duyên tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 15 lao động địa phương, với mức lương bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Đối với gia đình Ông Nguyễn Văn Xúc ở thôn Vũ Di-xã Vũ Di, năm 2011 với diện tích hiện có 36.000m2 gia đình ông đã trồng hoa ly và hoa loa kèn vào hai thời vụ chính là vụ thu đông (tháng 9-10) và vụ Đông xuân (Tháng 11-12) trong điều kiện không có nhà lưới che chắn, ngoài trồng hoa ly một vụ còn có thể trồng một vụ lúa, một vụ bí đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Theo hạch toán kinh tế sơ bộ cho 1 sào bắc bộ của gia đình ông, nếu trồng lúa sẽ cho thu nhập 513.500đ/sào. Nhưng nếu trồng hoa ly sẽ cho thu nhập 18.468.000đ/sào, tương đương với 500 triệu đồng/vụ/ha, hoa loa kèn là 10.500.500đ/sào, tương đương 300 triệu đồng/ha/vụ. Với diện tích hiện có, mỗi năm trên cùng một chân đất gia đình bố trí một vụ hoa và bố trí rải vụ giữa hoa ly và hoa loa kèn vì hoa loa kèn có thời vụ thu hoạch dài hơn hoa ly, hiệu quả kinh tế là rất lớn. Trong thời gian tới gia đình ông tiếp tục mở rộng diện tích để đáp ứng đủ số lượng hoa cho nhu cầu thị trường. Ông Xúc cho biết: Nếu người trồng hoa có kinh nghiệm và biết tính toán điều chỉnh thời vụ để thu hoạch đúng vào dịp tết, ngày lễ, thì lợi nhuận đem lại sẽ còn cao hơn nữa.
Mô hình trồng hoa của gia đình chị Duyên, Ông Xúc là hướng làm mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sản xuất ở vùng nông thôn, cần được nhân rộng để tạo thành vùng sản xuất chuyên canh. Mở ra một hướng đi mới trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng cho người dân nơi đây, góp phần xóa đói, giảm nghèo và thúc đẩy nền nông nghiệp địa phương phát triển theo hướng ổn định và bền vững./

Theo nnptntvinhphuc.gov.vn

Danh sách hội viên

Đăng ký hội viên

Vui lòng điền thông tin đăng ký sau đây

Họ và tên
Giới tính
Email

Hát về Vĩnh Tường