Cập nhật 05/05/2024 02:29:09 SA

Vĩnh Tường chủ động phòng bệnh tai xanh

Trước thông tin dịch bệnh tai xanh ở lợn xuất hiện ở một số tỉnh, thành trong cả nước. Những ngày này, Trạm Thú y huyện Vĩnh Tường đã phân công cán bộ về cơ sở phối hợp cùng với chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát dịch bệnh. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, các hộ chăn nuôi luôn chủ động trong công tác phòng bệnh, nhằm đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi.

Theo số liệu thống kê của Trạm Thú y huyện Vĩnh Tường: toàn huyện hiện có có 22.076 con trâu, bò; đàn lợn: 71.237 con, trong đó lợn nái: 8.791 con, đực giống: 158 con, lợn thịt: 62.288 con; đàn gia cầm: 602.193 con. Trong những năm qua, huyện luôn được tỉnh đánh giá là địa phương thực hiện tốt công tác phòng bệnh cho GSGC. Đặc biệt, trong lần tiêm phòng vắc xin GSGC và phun khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi đợt I năm 2012, huyện đã tiêm vắc xin LMLM cho đàn lợn nái, lợn đực giống đạt 95%  kế hoạch; tiêm văcxin Dịch tả lợn Swivac chủng C cho đàn lợn nái, lợn đực giống đạt 100% kế hoạch. Đàn lợn thịt (của các hộ nuôi dưới 50 con) của 3.834 hộ đạt 100% kế hoạch. Từ tháng 12 năm 2005  và tháng 8 năm 2006 đến nay trên địa bàn huyện không có dịch cúm gia cầm và LMLM xảy ra, qua đó đã góp phần tăng giá trị sản xuất cho ngành chăn nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch bệnh tai xanh đang bùng phát ở một số tỉnh, thành trong cả nước, nguy cơ lây lan của dịch luôn ở mức cao. Trước tình hình đó, thực hiện văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tai xanh ở lợn, huyện Vĩnh Tường đã yêu cầu các xã, thị trấn kiện toàn BCĐ phòng, chống dịch bệnh GSGC. Tăng cường thông tin tuyên truyền về sự nguy hại của dịch bệnh tai xanh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên hệ thông loa truyền thanh của thôn, xóm. Chủ động kiểm tra, giám sát dịch bệnh. Hướng dẫn hộ chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn, chủ động tiêm phòng các loại văcxin phòng bệnh Dịch tả, Tụ huyết trùng, Phó thương hàn cho đàn lợn đạt 80%  tổng đàn trở lên. Nếu để dịch xảy ra do chủ quan, lơ là, không phát hiện kịp thời, chỉ đạo thiếu quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch thì Chủ tịch UBND các xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện. Đối với phòng NN&PTNT huyện, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể nhằm triển khai các biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Trạm Thú y huyện đã tham mưu giúp UBND huyện, BCĐ phòng, chống dịch bệnh GSGC ban hành các văn bản phòng, chống dịch bệnh tai xanh; phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ trực tiếp xuống cơ sở phối hợp với UBND các xã, thị trấn kiểm tra, giám sát dịch bệnh đến tận thôn, xóm, hộ chăn nuôi. Bố trí lực lượng tiếp nhận thông tin và xử lý các tình huống xảy ra. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nhân viên thú y, cán bộ NN&PTNT các xã, thị trấn các biện pháp kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch bệnh tai xanh, thực hiện vệ sinh thú y, chăn nuôi an toàn sinh học. Thực hiện tốt công tác kiểm dịch tận gốc, phối hợp với các cơ quan liên quan như Công an, quản lý thị trường... tăng cường kiểm tra việc giết mổ, buôn bán, vận chuyển lợn trên địa bàn.

Trong thời gian tới, huyện sẽ tổ chức tiêm phòng văcxin Dịch tả lợn cho toàn bộ đàn lợn theo số thực tế chưa được tiêm phòng đợt I năm 2012. Tổ chức phun khử trùng, tiêu độc tại các địa bàn trọng tâm, trọng điểm như chợ, tụ điểm buôn bán GSGC và nơi trung chuyển lợn đi các tỉnh trên địa bàn.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Thị Thanh, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Vĩnh Tường nhận định: Trong số các tỉnh có dịch chưa qua 21 ngày, có những tỉnh rất gần với Vĩnh Phúc. Bên cạnh đó với phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán; điều kiện vệ sinh thú y chưa đảm bảo; ý thức phòng, chống dịch bệnh động vật của một số bộ phận người chăn nuôi còn hạn chế; công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ chưa được kiểm soát triệt để, cộng với thời tiết nắng nóng làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi đối với một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, là nguy cơ tiềm ẩn lây lan dịch bệnh từ bên ngoài vào địa bàn... Trước tình hình đó, cùng với việc chỉ đạo các biện pháp phòng dịch, UBND huyện Vĩnh Tường đã thành lập tổ kỹ thuật cùng với nhân viên thú y cơ sở giám sát dịch bệnh đến từng thôn, xóm, hộ chăn nuôi nhằm nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Qua kiểm tra thực thế cho thấy, các hộ đã thực hiện tốt công tác phòng bệnh; đảm bảo vệ sinh thú y; quy trình giết mổ...; đồng thời hướng dẫn người dân, không mua lợn bệnh, sản phẩm của lợn bệnh; không giấu khi lợn bị bệnh; không tự vận chuyển lợn bị bệnh ra khỏi vùng dịch; không vứt xác lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh ra môi trường.

Qua thực tế đi cơ sở, nhiều cán bộ thú y cho rằng: Chúng ta quá lệ thuộc vào tiêm văcxin mà chưa quan tâm đến công tác phòng dịch khác. Công tác giám sát dịch bệnh có vai trò quan trọng đối với việc phòng dịch, vì vậy phải được chính quyền và cán bộ thú y cơ sở quan tâm. Từ thực tiễn hành nghề, anh Nguyễn Văn Thanh, cán bộ thú y xã Bình Dương cho rằng:  Để giám sát tốt dịch bệnh, cán bộ thú y phải có tham mưu, đề xuất chính xác, cụ thể với chính quyền, từ đó xây dựng kế hoạch chi tiết, đặc biệt là việc nắm bắt tình hình dịch bệnh của cán bộ thú y. Theo anh Thanh, muốn giám sát tốt dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn, cán bộ thú y phải có quan hệ mật thiết với Trưởng thôn, các đại lý bán thuốc thú y và đội ngũ làm dịch vụ thú y. Chăn nuôi GSGC đang được nhân dân lựa chọn làm mục tiêu làm giàu, vì vậy khi có thông tin cảnh báo về dịch bệnh, địa phương đã biên soạn bài tuyên truyền về các giải pháp phòng dịch, mỗi ngày một lần phát trên hệ thống truyền thanh của xã, thôn để nhân dân hiểu và cùng thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Có thể thấy, công tác phòng bệnh tai xanh ở huyện Vĩnh Tường đã được chính quyền cơ sở vào cuộc với nhận thức và trách nhiệm cao, đây là một trong những lý do để công tác phòng dịch đạt hiệu quả cao nhất.

Mai Liên (báo VP)

Danh sách hội viên

Đăng ký hội viên

Vui lòng điền thông tin đăng ký sau đây

Họ và tên
Giới tính
Email

Hát về Vĩnh Tường