Cập nhật 02/10/2012 12:00:00 SA

"Cơn điên" của dòng tiền đổ vào cây cảnh

Cây cảnh (hoặc cây kiểng) là một số loại thực vật được chăm sóc, gieo trồng và tạo dáng công phu, thường dùng làm vật trang trí hay một chi tiết trong thuật phong thủy.

 

 

Cây cảnh được bài trí có khi nhằm thể hiện một ý tưởng của người trồng qua cách xếp đặt mà vẫn giữ được vẻ tự nhiên của lá. Thân cây được uốn theo một hình dáng nào đó, còn gọi là thế, kết hợp với chậu, đất hay nước là môi trường dinh dưỡng cho thực vật ấy.

 

Bên cạnh mục tiêu làm cảnh (vì lẽ này cây cảnh đã được tuyên lên thành nghệ thuật như ở Nhật Bản có bon-sai) cây cảnh còn là một loại hàng hóa được kinh doanh không theo một khung giá cố định nào mà phần nhiều tùy hứng của người bán và người mua hoặc tùy tâm của người bán.

 

Lịch sử chơi cây cảnh ở Vĩnh Tường Vĩnh Phúc có từ lâu đời, các thế hệ người chơi luôn được kế thừa và phát huy từ thời của Ông Phủ Vĩnh Tường đến nay. Loại hình cây cảnh cũng biến thiên qua nhiều giai đoạn. Từ thời kỳ cực thịnh của Lộc Vừng, Vạn Tuế đến thời kỳ đỉnh cao của cây Xanh. Từ những thú chơi cây của các ẩn sĩ, các cụ già về hưu cho đến hội sinh vật cảnh Vĩnh Tường hay các tổ chức, cá nhân chuyên kinh doanh cây cảnh.

 

Photo0240.jpg

Tác giả và cháu cụ Màu bên cây vạn tuế 120 tuổi

 

Giới chơi cây cảnh ở Vĩnh Tường có không ít người đã đạt được danh hiệu nghệ nhân do hội sinh vật cảnh Việt Nam công nhận như cụ Nguyễn Văn Màu (ở Đồng Phú, xã Tân Cương). Cụ là người chơi cây cảnh theo phong cách ẩn sĩ thuộc trường phái cây cổ điển thế cổ tán đĩa. Như cây Vạn tuế 120 tuổi được lưu truyền từ thời bố của cụ Màu, thân cây đã bị bom Mỹ tiện đứt lìa, ánh con của nó nảy lên từ gốc cũng đã cao quá đầu người. Hay cây xanh già cụ có được trên một vách đá thuộc cao nguyên Mộc Châu nhân một chuyến đi công tác cách nay đã 30 năm, ước tính trên 100 tuổi, thế bạt phong và toàn thân đã lên màu mốc trắng xóa,...

Những người ẩn sĩ như cụ không nhiều và quả thực có lẽ đã thoát tục ra ngoài vòng danh lợi.

 

Copy of Photo0256.jpg

Cây xanh già toàn thân đã lên màu mốc trắng xóa

ước chừng trên 100 tuổi.

 

Giới chơi cây cảnh của huyện Vĩnh Tường đang quay cuồng trong cơn khủng hoảng nhất kể từ xưa đến nay về giá trị của cây. Đây là lần khủng hoảng thứ 2 mà giới chơi cây trong Huyện gặp phải như là một kết quả tất yếu sau những cơn siêu bão giá cây cảnh năm 2003 và năm 2010.

 

Từ năm 2009, giá cây cảnh trong Huyện tăng chóng mặt. Một cây Xanh có thế, dáng đẹp đang từ 2 triệu lên 10 triệu rồi tới 250 triệu chỉ trong vòng một năm. Gốc Xanh già làm bóng mát trước cổng bỗng nhiên được hỏi mua với giá trên trời tương đương 20 năm làm ruộng. Nhà nhà đều chơi cây, người người chơi cây, gặp nhau ở đâu cũng bàn về cây.

 

Cây xanh 100 tuổi này từng được bán với giá 10 tỷ

 

Dòng tiền của người dân đổ vào cây cảnh như dòng thác không kiểm soát nổi. Tiền và cây nhảy múa theo sức nóng của thị trường. Theo ước tính, lượng tiền người dân đổ vào cây cảnh của Huyện năm 2009 - 2010 không dưới 500 tỷ đồng, bằng giá trị sản xuất của toàn huyện năm 2000 và bằng 1/4 của năm 2010 (gần 2300 tỷ đồng - nguồn Sở công thương tỉnh Vĩnh Phúc).

Nhiều người giàu lên nhanh chóng như ông Tạo ông Tám ở Tam Phúc, ông Thú ở Tân Cương, hay vươn lên tầm đại gia như anh Cường ở Thổ Tang với 2 biệt thự tại Đan Phượng -  Hà Nội trị giá 80 tỷ và khối tài sản hàng trăm tỷ khác.

 

Biệt thự của đại gia Cường ở Đan Phượng


Tuy nhiên, như một quy luật phát triển, nếu như năm 2010 là đỉnh điểm cơn sốt giá điên rồ của cây cảnh thì năm 2012 lại là năm mà giá của cây tưởng như chạm đáy. Giao dịch mua bán gần như bằng không, bắt đầu một giai đoạn đen tối chưa từng có với giới kinh doanh cây cảnh trong Huyện.

Anh Xuân ở Tứ Trưng, chủ nhân vườn cây cảnh Cây Dừa cho biết. Năm 2010, anh mua về chăm sóc từ 50 triệu đến 350 triệu một cây, thì năm 2012 anh bán ra 60 cây mới thu về 250 triệu. Khoản lỗ lên tới nhiều tỷ đồng. Nhìn 10 xe tải hạng nặng chở 60 cây cảnh ra khỏi vườn mà trái tim anh như bị bàn tay vô hình bóp nghẹt.

Anh Ánh, chủ vườn cây cảnh Quang Ánh ở Tam phúc với rất nhiều cây cảnh được đánh giá cao về giá trị nghệ thuật và kinh tế nằm trên quốc lộ 2C đã nhiều tháng nay mới ra thăm vườn mặc dù cây đã tới thời kỳ cắt tỉa. Cỏ dại trong vườn đã mọc quá đầu gối. "Giờ đây, vườn cây với tôi là cả một nỗi niềm. Tôi cảm thấy buồn khi đứng giữa vườn cây. Tôi cảm thấy bồn chồn khi ngồi uống trà nơi đây. Tôi sợ phải tới đây mặc dù niềm đam mê với cây của tôi chưa bao giờ tắt." - anh Ánh ngao ngán thốt lên khi gặp tôi tại vườn cây của anh vào một buổi chiều tàn.




Tạm biệt anh, tôi ra về trên bờ đê lộng gió, nhìn những vườn cây cảnh dìu hiu trong nắng chiều tà mà lòng tự hỏi. Đó là cái giá khi người ta thương mại hóa một nghệ thuật, một thú chơi thanh tao? Phải chăng đã đến lúc kết thúc "cơn điên" của một dòng tiền?

Hữu Công

Danh sách hội viên

Đăng ký hội viên

Vui lòng điền thông tin đăng ký sau đây

Họ và tên
Giới tính
Email

Hát về Vĩnh Tường