Cập nhật 11/02/2014 12:00:00 SA

Xuân về trên những cánh đồng cao sản

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều cánh đồng thu nhập cao, đem lại cho người nông dân những mùa xuân no ấm.

Trồng ngô giống, khoai tây cho thu nhập cao gấp 2- 3 lần

Những ngày áp Tết, trên các cánh đồng ngô giống, khoai tây của xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, niềm vui của người nông dân như được nhân đôi bởi hiệu quả kinh tế mà những cây trồng này đem lại cao gấp 2-3 lần so với các cây trồng khác.

Tại xứ đồng khu Kẻ Cao, Điều Hòa, Mả Ngoài, tiếng nói cười của bà con nông dân mỗi lúc một rộn rã hơn. Người thì thoăn thoắt bẻ ngô, kẻ thì kĩu kịt gánh lên bờ chờ cân cho Công ty giống cây trồng Trung ương; ai cũng hối hả với công việc.

Những cánh đồng ngô giống cho thu nhập cao ở Hợp Thịnh

Vừa thoăn thoắt bẻ ngô, ông Phùng Văn Chính, thôn Tân Thịnh vừa tâm sự: “Trước đây, chúng tôi chỉ sản xuất thuần tuý, trồng các loại cây thương phẩm lấy lương thực phục vụ gia đình. Từ năm 1996, khi xã có chủ trương sản xuất lúa, ngô giống, gia đình tôi đã mạnh dạn đăng ký trồng và thấy hiệu quả hơn hẳn so với ngô, lúa thương phẩm. Bình quân một sào ngô giống cho thu hoạch từ 250-300 kg, giá thu mua từ 10.000 -10.200 đồng/kg, cho thu nhập từ 2,5- 3 triệu đồng, trong khi đó, giá trị một sào ngô thịt chỉ có thể đạt 1,2-1,5 triệu đồng”.

Bà Phùng Thị Bình- người có diện tích trồng ngô giống lớn nhất xã cho biết: “Một trong những ưu thế của việc sản xuất ngô giống là sản phẩm được các công ty giống cây trồng bao tiêu và đến tận ruộng, người trồng không mất công phơi, tách hạt mà giá thành lại cao. Tuy nhiên, sản xuất hạt giống phải tuân thủ theo một quy trình chặt chẽ, áp dụng khoa học kỹ thuật cũng cao hơn hẳn với sản xuất ngô, lúa thịt. Ngoài chú trọng đến việc tưới nước, phòng ngừa dịch bệnh thì vấn đề khử bỏ cây khác giống, cây yếu, cây bệnh là các công đoạn quyết định đến thành công trong quá trình sản xuất ngô giống”. 

Ông Nguyễn Văn Nhung, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp xã Hợp Thịnh cho biết thêm: “Với hiệu quả kinh tế cao, gần 10 năm nay, nhiều hộ dân trong xã đã chuyển diện tích trồng hoa màu giá trị kinh tế thấp sang trồng ngô giống. Diện tích cũng như số hộ tham gia liên tục tăng trong các năm, đến nay là 35 ha diện tích với trên 300 hộ. Việc mở rộng diện tích trồng ngô giống trên địa bàn xã không những giúp nông dân tiến thêm một bước nữa trong việc tiếp cận khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông sản hàng hóa mà còn giúp xã phủ xanh diện tích đất vụ đông. Nếu như trước đây, vụ Đông ở Hợp Thịnh có đến 50-60% diện tích bị bỏ trống, thì đến nay nhờ triển khai những cây trồng có giá trị kinh tế cao, diện tích gieo trồng của xã luôn đạt trên 90%. Riêng vụ Đông năm 2013, toàn xã có 35 ha trồng ngô giống, tăng gần 20 ha so với năm 2012”.  

Dời cánh đồng ngô giống, chúng tôi tới cánh đồng khu Đồng Dưa, Vần Dù và Châu Phần của xã Hợp Thịnh; lúc này người dân đang hối hả thu hoạch khoai tây.  

Mô hình trồng cây khoai tây mới được xã triển khai từ năm 2012 đến nay đã đạt trên 50 mẫu với gần 200 hộ tham gia. Chị Nguyễn Thị Hồng, thôn Tân Thịnh cho biết, gia đình chị trồng 3 sào khoai tây, tính sơ sơ sau khi trừ chi phí cũng thu lãi 4,5 – 5 triệu đồng/sào. 

Năm nay, ngoài giống khoai tây Sinora, nông dân Hợp Thịnh triển khai trồng thử nghiệm thêm giống khoai tây Atlantic và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty Tonkin. Kết quả sơ bộ ban đầu cho thấy, giống khoai tây Atlantic đã khẳng định những ưu thế vượt trội về năng suất và chất lượng. Ước mỗi sào khoai tây Atlantic cho năng suất từ 8 tạ - 9 tạ. Chất lượng củ tốt, hình dáng đẹp, đáp ứng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Theo ước tính, trừ chi phí, 1 sào khoai tây lãi 4 triệu đồng, 1 ha khoai tây sẽ lãi hơn 80 triệu đồng, gấp 4 lần so với trồng đậu tương, ngô và gấp 3 lần so với trồng lúa.

 Cà chua - cây chủ lực xóa nghèo và làm giàu cho nông dân Đại Tự

Dừng chân trên những cánh đồng màu mỡ của xã Đại Tự, huyện Yên Lạc, chúng tôi cảm nhận rõ sự gắn bó của những người nông dân đối với ruộng đồng. Khác với một số địa phương, vụ đông này, hầu như toàn xã không có một khoảnh ruộng nào bị bỏ hoang. Người dân nơi đây đã thực sự coi tấc đất là tấc vàng, không chỉ tận dụng diện tích có được để sản xuất mà còn thâm canh tăng vụ.

 

Cây cà chua đã giúp nhiều nông dân xã Đại Tự vươn lên làm giàu

Dẫn chúng tôi đi tham quan cánh đồng Cửa Đền chuyên trồng cà chua ghép trên gốc cà tím, chị Nguyễn Thị Mãi, cán bộ khuyến nông xã không giấu nổi niềm vui : “Đại Tự là một trong những địa phương có diện tích cây vụ đông phủ kín lớn nhất nhì huyện. Hiện trên 70 ha cây rau màu của các hộ nông dân trong xã đã bắt đầu cho thu hoạch, trong đó những loại cây có giá trị kinh tế cao chiếm 50% diện tích. Hộ trồng ít thì cũng khoảng 1 - 2 sào, thu lãi từ 20-40 triệu đồng. Còn hộ trồng nhiều thu lãi cả 100 triệu đồng/vụ”..  

Đang hái cà chua, chị Văn Thị Phấn ở xóm 7 cho biết, với 2 sào cà chua, cao điểm có ngày chị thu hoạch gần 4 tạ, giá bán trung bình khoảng 10.000/kg, mỗi vụ trừ chi phí gia đình chị cũng thu lãi gần 50 triệu đồng.

Những trang trại tổng hợp cho thu lãi hàng trăm triệu đồng ở Phú Đa

Nằm ở cuối thôn Yên Định, xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường, trang trại của anh Mai Văn Hoàng có diện tích trên 5 ha. Dưới đầm anh nuôi thả cá, trên bờ chăn nuôi lợn kết hợp với trồng chuối. Anh Hoàng vui mừng cho chúng tôi biết: “Gia đình tôi vừa xuất bán trên 30 tấn cá, gần 5 tấn lợn. Năm nay là năm làm ăn thuận lợi bởi riêng phần lãi chúng tôi cũng thu về vài trăm triệu đồng”.

Các nhân công đang giúp anh Hoàng phân loại cá

Hiện ở Phú Đa, những hộ có thu nhập như anh Hoàng không còn hiếm. Theo thống kê, toàn xã có 62 trang trại tổng hợp, thu nhập bình quân trang trại thấp nhất 300-400 triệu đồng, cao nhất 5-6 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Nói về hiệu quả của mô hình kinh tế này, Chủ tịch UBND xã Hoàng Mạnh Hồi đưa ra sự so sánh: “Trước đây, trên diện tích vùng trũng của xã chỉ cấy được một vụ lúa/năm nhưng năng suất bấp bênh, hay bị ngập úng, dẫn đến người nông dân thường bỏ ruộng. Nhờ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, những diện tích khó canh tác này lại trở thành lợi thế trong nuôi trồng thuỷ sản. Phong trào chuyển đổi ruộng đất để hình thành trang trại tổng hợp phát triển sôi nổi, người dân đã có câu “ba sào ruộng cao không bằng một sào ruộng trũng.

Tuy nhiên, để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân yên tâm phát triển kinh tế trang trại, chúng tôi mong muốn được hướng dẫn xây dựng đề án và được cấp có thẩm quyền công nhận mô hình kinh tế trang trại”.  

Không chỉ tại những địa phương này, trong những năm qua, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, toàn tỉnh đã xây dựng được 148 vùng sản xuất hàng hóa tập trung với diện tích trên 1017 ha. Các cánh đồng cao sản này đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp hàng năm. Riêng năm 2013, giá trị tăng thêm của các khu sản xuất hàng hóa đạt trên 24 tỷ đồng. Ngoài tăng giá trị kinh tế, việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa còn giúp người nông dân thay đổi tư duy sản xuất, hướng tới phát triển sản xuất theo hướng an toàn cho cả người sản xuất người tiêu dùng. 

Để tiếp tục mở rộng những vùng sản xuất hiệu quả, nhân rộng các cánh đồng cao sản cho thu nhập cao, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng miền và nhu cầu thị trường. Đồng thời, chú trọng thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, trong đó ưu tiên cao nhất cho việc sản xuất các loại giống chất lượng cao và công nghệ chế biến, bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch; đẩy mạnh quá trình liên kết giữa nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông nhằm giảm chi phí đầu tư, nâng cao giá trị kinh tế để đem lại những mùa xuân no ấm cho người nông dân./.

theo Báo Vĩnh Phúc

Danh sách hội viên

Đăng ký hội viên

Vui lòng điền thông tin đăng ký sau đây

Họ và tên
Giới tính
Email

Hát về Vĩnh Tường