Cập nhật 20/12/2012 12:00:00 SA

Bò sữa “kéo” Vĩnh Thịnh thoát nghèo

Chưa bao giờ khát vọng giải thoát nghèo đói, vươn tới một cuộc sống no ấm lại trỗi dậy mạnh mẽ trên vùng đất mà từ bao đời nay chỉ có “nông vi bản” này. Với những nỗ lực bền bỉ, không ngừng của những người dân trên dải đất ven sông Hồng mang tên Vĩnh Thịnh, cái khát vọng ấy nay đã trở thành hiện thực và đang lớn dần lên từng ngày bằng kết quả từ việc cả làng, cả xã đã có thu nhập cao với sức tăng trưởng ngày càng bền vững nhờ mạnh dạn đưa bò sữa vào làm giải pháp tháo gỡ bài toán thoát đói nghèo. Thành công đã đến, nhưng ít ai biết rằng, phía sau khát vọng thoát nghèo ấy của người Vĩnh Thịnh, là cả một câu chuyện dài với nhiều gian nan, vất vả.

Ký ức buồn và ước vọng thoát nghèo

Nằm ven sông Hồng, nơi có tỉnh lộ chạy qua. Phía mặt Tây, chỉ cách một quãng đò ngang là đến thành cổ Sơn Tây (Hà Nội), thế nhưng, dù được hội đủ cả ba yếu tố “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”, và cho dù đã nhẫn nại, cần cù mưu sinh, thì cuộc sống của người Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) trước đây cũng chỉ loay hoay với việc lo đủ ngày đôi ba lần đỏ bếp; trẻ con, người già thi thoảng mới được manh áo mới; lũ trẻ được cắp sách đến trường đã cả là một niềm mong mỏi dài lâu. Uớc mơ có cuộc sống khá giả, với chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao luôn là một “ước mơ xa”. Phải làm gì để thoát cảnh quẩn quanh với nỗi lo không đứt bữa ? Đó câu hỏi mà bất cứ người Vĩnh Thịnh nào cũng ngày đêm trăn trở tìm lời giải đáp.

Nhớ về những ngày tháng ấy, gương mặt người Vĩnh Thịnh hôm nay vẫn còn vương nét khắc khổ, đăm chiêu. Ngày ấy (cũng chỉ cách bây giờ ngót chục năm), nhận thấy nếu chỉ’’thuỷ chung’’ với cấy lúa, tra ngô, thì giỏi lắm cũng chỉ đủ ăn. Nhiều người Vĩnh Thịnh đã bươn ra ngoài tìm kiếm lối đi mới cho đồng đất quê mình. Buổi đầu, gặp bao gian khó, va vấp. Bắt đầu là với cây mía. Đất phù sa, lại được tay người dày công chăm bón nên những triền bãi dọc sông Hồng thuộc Vĩnh Thịnh một thời mướt mát xanh màu mía. Thế nhưng, chỉ được vài vụ đầu, mà cũng nhọc nhằn vì hiệu quả không cao lại mất chủ động cho đầu ra. Rồi sau đó, thì đầu ra tắc hẳn, nhà máy đường Việt Trì (Phú Thọ) - nơi trước đó đã thu mua nguyên liệu mía của Vĩnh Thịnh nay gần như đóng cửa. Người trồng mía lao đao. Mía ngọt thật, nhưng người Vĩnh Thịnh chỉ thấy đắng chát ! Mía không thể thay cơm ăn, áo mặc. Những lò ép mật làm đường thủ công trong làng hoạt động cầm chừng nhưng cũng chả được bao lăm. Vùng bãi mía dần dần phải phá bỏ, thay vào đó là ngô, khoai - thứ hoa màu chống đói muôn đời của dân làng...

Không chịu đầu hàng sự may rủi, bị động mà cơ chế thị trường đem lại, người Vĩnh Thịnh tiếp tục vươn ra, tìm kiếm cơ hội mới. Thế rồi, cây dâu tằm được lựa chọn thay thế cây mía để tiếp tục gồng gánh ước mơ thoát nghèo của Vĩnh Thịnh. Những hom dâu tằm được cắm xuống đồng bãi cũng là khi người Vĩnh Thịnh bắt đầu hồi hộp trông đợi, rồi thấp thỏm hy vọng. Và rồi, mặc dù nương dâu thay thế bãi mía không phụ công người chăm bón đã ngút xanh, nhưng vì nhiều nguyên do, mà dâu xanh đã không thể thành nong tằm - nén tơ vàng, không thành vải lụa làm ấm cuộc đời. Và giấc mơ thoát nghèo của người Vĩnh Thịnh một lần nữa tan thành mây nước...

Nghèo khó - càng “ló” quyết tâm đổi đời

Cũng như bao nông dân trên mọi miền quê Việt đều giống nhau ở cùng một điểm, đó là: Dù làm gì, họ cũng quyết bám đất, bám ruộng, bám làng. Người Vĩnh Thịnh cũng vậy, họ coi ruộng đất như là “máu thịt”; là nguồn sống, là điểm tựa vững chắc để thực hiện khát vọng đổi đời, cho dù có nhọc nhằn, vất vả đến thế nào. Nỗi buồn là có thật, nhưng không hề làm cho khát vọng đổi đời của người dân Vĩnh Thịnh nguôi vơi. Vì vậy, sau thất bại của mía, dâu tằm, Đảng bộ, chính quyền và người dân Vĩnh Thịnh cùng nhau bàn bạc, rút kinh nghiệm, xoay tìm phương cách mới, nhằm nhanh chóng thoát nghèo...

Và rồi thời cơ đã đến với người dân Vĩnh Thịnh. Đầu năm 2000, nhân một chương trình nuôi bò sữa do Chính phủ Hà Lan tài trợ đang được phổ biến rộng rãi tại khu vực chân núi Ba Vì (Hà Nội), nhận thấy vùng đất bãi rộng lớn ven sông ở Vĩnh Thịnh rất thích hợp cho việc trồng cỏ voi nuôi bò, nguồn nhân lực và điều kiện chăn nuôi bò sữa cũng không thiếu. Mặc dù nghề này hoàn toàn xa lạ, song họ quan niệm, con bò sữa cũng như bò thịt, bò kéo, dù chỉ cho sữa, song nó cũng gần gũi với người nông dân như con trâu, con bò - vốn là những con vật thân thiết với người dân nông thôn. Nghĩ là làm, một số nông dân Vĩnh Thịnh đã “khăn gói” lên đường sang học tập và nhận nuôi bò sữa. Họ đã được các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm bò sữa Ba Vì, cùng các nhà khoa học, nhà chuyên môn sẵn lòng giúp đỡ kỹ thuật nuôi, chăm sóc, phòng chữa bệnh cho bò.

Thế là cuộc “cách mạng” chống đói nghèo được Vĩnh Thịnh tiếp tục. Con bò sữa được lựa chọn. Nhưng lần này, rút kinh nghiệm từ mía, từ dâu tằm ; đầu ra cho sản phẩm là vấn đề được người Vĩnh Thịnh quan tâm trước tiên. Phải làm sao có được nơi bao tiêu sản phẩm sữa, không những thế phải là nơi bao tiêu sản phẩm lâu dài vững bền cho bà con nông dân. Khâu cuối cùng trong các khâu sản xuất nhưng lại chính là điều kiện tiên quyết hàng đầu để công cuộc chuyển đổi vật nuôi chất lượng cao này đạt được thành công. Và để có được cái điều kiện mang tính quyết định này, lãnh đạo xã Vĩnh Thịnh đã cùng người nuôi bò tìm kiếm đối tác, gặp gỡ, trao đổi với những công ty chuyên chế biến sản phẩm sữa, chọn lựa nơi đáng tin cậy, đặt vấn đề ký hợp đồng làm ăn lâu dài.

Tuy đã tính trước lo sau cẩn thận như vậy nhưng bắt tay vào cuộc cũng đâu phải đã hết khó khăn. Khó khăn đầu tiên phải kể đến là vốn. Trị giá một con bò sữa giống không hề rẻ. Ngay vào thời điểm cuối năm 2010, đầu năm 2011, giá một con bò cái chừng vài tuần tuổi đã khoảng 6,5 - 7 triệu đồng/con. Với những con giống lớn hơn, thì giá lại càng cao tương đương mức độ tuổi:10, 15, 20, 25 triệu đồng. Với hộ gia đình nông dân, số vốn đầu tư ban đầu như vậy là không hề nhỏ. Vì thế, muốn nuôi bò sữa cũng không hề đơn giản. Nắm bắt được khó khăn này của một số hộ nghèo, có một người đã tiên phong đứng ra nhận cung cấp con giống cho dân “ghi nợ”, đến bao giờ bò trưởng thành, cho sữa, sẽ đứng ra thu mua bao tiêu sản phẩm trừ dần vào tiền con giống ban đầu. ý tưởng hay, việc làm tốt, nhưng người đứng ra làm công việc này không muốn công bố việc làm rộng rãi của mình. Một phần bởi tính khiêm tốn, không ưa khoa trương ồn ào. Phần nữa có lẽ do những thất bại để tìm hướng thoát nghèo từ mía, từ dâu tằm trước đó không xa đã khiến người đó muốn tránh sự “nói trước bước không qua” mà thận trọng như vậy chăng. Nhưng rồi, tiếng lành đồn xa, chân dung “người đỡ đầu” đã hiện diện, đó chính là Bí thư Đảng uỷ xã Vĩnh Thịnh - Đặng Đình Tuấn.

Là một trong những người tiên phong nuôi bò sữa, cho đến thời điểm hiện tại, gia đình ông Tuấn vẫn là một trong những hộ đứng đầu trong xã về chăn nuôi bò sữa. Không chỉ nuôi bò sữa, gia đình ông còn đứng ra lập trạm thu mua bao tiêu sản phẩm sữa cho dân làng. Bình quân một tháng, trạm thu mua của gia đình Đặng Đình Tuấn thu gom được 180 - 195 tấn sữa cung cấp cho công ty Vinamilk. Tiếp xúc với ông, sẽ khó mà nhận ra đó là một cựu chiến binh, một đảng viên năng động và nhạy bén bởi Đặng Đình Tuấn có bề ngoài rất giản dị với gương mặt khắc khổ. Bàn đến việc giúp nông dân thoát nghèo làm giàu chính đáng và bền vững, ông Tuấn cho biết: “ở Vĩnh Thịnh hiện nay, bò sữa được xem động lực chính “kéo” Vĩnh Thịnh thoát đói nghèo. Không chỉ bò sữa đang “lên ngôi”, mà kinh tế trang trại theo mô hình VACR (vườn - ao - chuồng - ruộng) cũng thu nhiều thành quả. Hiện tại, nhiều hộ dân Vĩnh Thịnh đang đi tới giàu có bằng nuôi bò sữa và làm trang trại”.

Ngọt ngào thành quả…

Chia tay Bí thư Đảng uỷ xã Vĩnh Thịnh - Đặng Đình Tuấn, chúng tôi đến nhà anh Vũ Đức Thọ ở thôn An Lão. Anh Thọ cũng là một trong những người đầu tiên ở Vĩnh Thịnh mạnh dạn bắt tay vào nuôi bò sữa. Lúc này, vợ và cô con dâu anh Tuấn đang chăn đàn bò 6 con đang kỳ cho sữa. Nghe tin có nhà báo đến, anh Tuấn đang đi kiểm tra lưới điện trong làng (anh kiêm nghề thợ điện) liền quay về. Vừa điều khiển máy thái cỏ, vừa chuyện trò rôm rả. Anh Tuấn cho biết, từ ngày đầu chập chững làm quen với việc nuôi bò sữa đến nay đã tròn 10 năm. Bây giờ, đàn bò nhà anh, con ít nhất cho 18 lít sữa, con nhiều thì 25 - 28 lít/ngày, giá một lít sữa thời điểm giữa tháng 11/2010 là 9.700đ, đến đầu năm nay do vật giá tăng, nên giá sữa cũng tăng lên trên 10.000đ/lit. Trừ mọi chi phí, bình quân mỗi tháng nhà anh bỏ két nhẹ nhàng từ 11 - 13 triệu đồng. Ngoài việc cho sữa, đàn bò cái nhà anh còn liên tục đẻ bê con. Anh Tuấn vừa xuất bán hai con bê sữa giống. Con 3 tuần tuổi được 6,5 triệu đồng, con 4 tháng tuổi được 25 triệu. Bán cho bà con trong làng nên giá cả cũng phải chăng - anh Tuấn giãi bày.

Có tiền, anh Tuấn đã đầu tư mua máy thái cỏ, máy xay xát cỡ nhỏ, máy vắt sữa, máy phát điện, máy bơm. Anh chia sẻ, cái được lớn nhất qua 10 năm nuôi bò sữa không chỉ thuần túy là tiền bạc, mà chính là 4 đứa con: một học đại học Bách khoa, một học Kiểm toán nhà nước và một học Đại học sư phạm. Cả ba nay đã ra trường và có việc làm ổn định, người còn lại đang theo học cao đẳng. Sau khi mời chúng tôi thưởng thức sữa tươi, sữa chua “của nhà làm được”, anh Tuấn vui vẻ khoe: cách đây hai năm thôi, cả 5 bố con tôi đều là sinh viên đấy. (Anh Tuấn theo học lớp điện dân dụng). Rồi cười tươi khẳng định: Chính con bò sữa giúp nhà tôi thoát nghèo và các con tôi trở thành trí thức đấy.

Rời nhà anh Tuấn, chúng tôi tiếp tục rong ruổi trên con đường liên xã được thảm bê tông. Vùng quê - nơi có những tên làng xa xưa như cổ tích: An Lão, Khách Nhi, Môn Trì, Hoàng Xá, vv... nơi nhà thơ Cầm Giang - tác giả của những thi phẩm độc đáo nổi tiếng: “Em tắm”, “Nhớ vợ”, “Núi Mường Hung, dòng sông Mã”, vv... đã từng gắn bó phần lớn cuộc đời cho đến khi tạ thế - nay trù phú với những chân ruộng xanh ngút cỏ voi, cùng những “trại” “bò sữa tại gia” đang ăn nên làm ra. Rõ ràng, sau bao trăn trở, gian nan, người Vĩnh Thịnh đã tìm ra cho mình chìa khóa mở để vươn tới giàu mạnh, tiến bộ, hạnh phúc.

Có thể kể ra những cái tên đã góp phần làm nên “thương hiệu” bò sữa Vĩnh Thịnh như ông Quý Giáp với đàn bò thường xuyên từ 35 - 45 con; Bí thư Đảng ủy Đặng Định Tuấn với đàn bò 25 - 40 con. Rồi các hộ gia đình Đặng Văn Thành, Hoàng Văn Tiếp, Đỗ Gia Việt, Trần Trọng Bằng, mỗi hộ thường xuyên nuôi từ 10 con bò sữa trở lên. Ông Trần Trọng Đường - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã cho biết: “Tính đến tháng đầu năm nay, đàn bò sữa Vĩnh Thịnh có trên 1.000 con. Trong đó, có trên 600 con đang cho khai thác sữa, bình quân từ 18 - 25 lít sữa/con/ ngày. Đặc biệt có những con bò sữa Vĩnh thịnh đã cho sản lượng 50 - 55 lit sữa/ngày. Sản lượng sữa cả xã 10 tháng đầu năm ước đạt trên 2500 tấn”.

Thêm một điều đáng chú ý ở Vĩnh Thịnh đó là, sự tiên phong gương mẫu, năng động dám nghĩ dám làm trong công cuộc xóa đói nghèo của cán bộ đảng viên, trong đó, phải kể đến đội ngũ cựu chiến binh. Với hơn 11.000 dân, Vĩnh Thịnh có 836 CCB, 11 mẹ Việt Nam anh hùng, 197 người con Vĩnh Thịnh đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Vĩnh Thịnh hiện là xã có số CCB đông nhất tỉnh Vĩnh Phúc. 2/3 cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền Vĩnh Thịnh hiện nay là CCB.

Trên mặt trận chống đói nghèo, lạc hậu, những người lính cựu nơi đây vẫn luôn nêu cao phẩm chất người lính cách mạng của anh bộ đội Cụ Hồ; vừa không chỉ biết làm giàu cho gia đình, mà còn góp phần đắc lực xây dựng quê hương ngày thêm phát triển. Đó là một trong những nguyên nhân sâu xa để Vĩnh Thịnh có được diện mạo như hôm nay, với thương hiệu bò sữa Vĩnh Thịnh, với hệ thống các công trình dân sinh phúc lợi khá hoàn thiện, với thu nhập bình quân đầu người ở Vĩnh Thịnh đạt trên 15.000.000/người/năm. Vĩnh Thịnh không còn hộ đói, số hộ nghèo giảm chỉ còn 3,22%. 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường, với hàng trăm học sinh có học lực xếp loại khá, giỏi các cấp; 37km đường liên thôn, xã được thảm nhựa hoặc bê tông hóa...

Điểm qua một vài con số biết nói này, để thấy rõ thêm một điều: Vĩnh Thịnh đang vững bước đi tới giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc bằng chính nội lực và một quyết tâm, một ý chí cao nhất.

theo báo Nhân Dân

Danh sách hội viên

Đăng ký hội viên

Vui lòng điền thông tin đăng ký sau đây

Họ và tên
Giới tính
Email

Hát về Vĩnh Tường