Cập nhật 15/11/2012 12:00:00 SA

Vĩnh Tường đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp

Xác định rõ tiềm năng và thế mạnh, cấp ủy và chính quyền huyện Vĩnh Tường đã tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, nhất là chuyển giao tiến bộ kỹ thuật (TBKT) cho bà con nông dân. Nhiều mô hình trình diễn đạt kết quả tốt, tạo tiền đề cho việc mở rộng diện tích cây vụ Đông, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Gia đình anh Bùi Mạnh Hùng, thôn 7, xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường trồng cà chua giống sarior ghép cho thu nhập 3 tấn/sào, tương đương 30 triệu đồng/sào/vụ. Ảnh Kim Dung

Có thể nói, từ nhiều năm nay, cây trồng vụ Đông đã mang lại thu nhập lớn cho bà con nông dân huyện Vĩnh Tường, trong đó có cây cà chua là loại cây trồng tiềm năng, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Phần lớn diện tích đất canh tác của huyện đều có khả năng trồng được loại cây này. Từ năm 2009 đến nay, Phòng Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Tường bắt đầu thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học về giống cà chua ghép và xây dựng mô hình ứng dụng kết quả nghiên cứu về cà chua ghép trên địa bàn.

Thạc sĩ Lỗ Tất Chánh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, nguyên Trưởng Phòng NN&PTNT, Chủ nhiệm đề tài triển khai thực hiện “Mô hình trồng cà chua ghép trái vụ năm 2012” cho biết: Vụ Thu Đông năm nay, Vĩnh Tường thực nghiệm trồng cà chua ghép (cà chua giống sarior ghép trên giống cà tím và giống sarior không ghép) trên quy mô 6ha tại các xã, thị trấn Đại Đồng, Tân Tiến, Vĩnh Sơn, Vũ Di, Thổ Tang. Các hộ nông dân tham gia mô hình tiến hành trồng và chăm sóc trong cùng một điều kiện để đánh giá tình hình sinh trưởng, sâu bệnh hại; so sánh năng suất, hiệu quả kinh tế của cây cà chua ghép với đối chứng không ghép, kết quả tổng hợp, đánh giá tại những địa điểm khác nhau ở các địa phương thực nghiệm cho thấy cây cà chua ghép sinh trưởng và phát triển khỏe, ra hoa sớm, số chùm hoa và tỷ lệ đậu quả cao, năng suất cao, thu hoạch sớm, thời gian thu hoạch dài (có thể đến tháng 4/2013), bán được giá cao lúc đầu vụ, do vậy hiệu quả kinh tế cao.

Đơn vị chuyển giao TBKT đã hướng dẫn nông dân quy trình cụ thể về kỹ thuật, thời vụ, làm đất, cách trồng, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh… Kết hợp nghiên cứu kỹ các yếu tố cấu thành năng suất và nắm được các yếu tố ngoại cảnh để có tác động hợp lý, nên năng suất thực thu ước đến tháng 3/2013 đạt khoảng 3 tấn/sào (có nơi đạt 5 tấn/sào). Với giá bán 7.000đ/kg (thị trường Vĩnh Yên thời điểm này 12.000 -15.000đ/kg), người sản xuất thu trên 20 triệu đồng/sào, cao gấp 20 lần trồng lúa.

Năng suất và hiệu quả kinh tế của cà chua ghép vụ Đông 2012 ở Vĩnh Tường cao vượt trội, vừa chắc ăn, mang lại thu nhập cao (trên một đơn vị diện tích) hơn hẳn nhiều cây khác đã được khẳng định. Cùng với các mô hình sản xuất hàng hóa bí đỏ chất lượng cao F1-868, ngô lai đơn G8, đậu trạch, ớt, đậu leo, hành tây, súp lơ áp dụng các biện pháp kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh tổng hợp theo tiêu chuẩn rau an toàn đang từng bước được bà con nông dân mạnh dạn đầu tư, áp dụng vào sản xuất, mở rộng diện tích để tăng thêm thu nhập. Các loại rau quả này không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Trái ngược với rau quả từ Trung Quốc như cà chua “vỏ đỏ, ruột xanh” còn dư lượng các chất bảo quản độc hại chưa qua kiểm định vệ sinh ATTP bày bán trên thị trường.

Thực tế còn cho thấy, mấy năm gần đây, sản xuất vụ Đông ở Vĩnh Tường luôn gặp thời tiết không thuận lợi. Chẳng hạn, đầu vụ Đông cơn bão số 5 gây mưa lớn (bình quân là 292mm, điểm cao nhất là 416mm) ảnh hưởng đến sự phát triển của cây con mới trồng. Diện tích mô hình làm cà chua ghép bị ngập 52.000m2, mất trắng 23.145m2. Chưa kể giá cả vật tư đầu vào cho sản xuất tăng cao mà giá đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định. Mặt khác ngày công lao động còn cao nên một bộ phận nông dân không thiết tha làm vụ Đông. Vì vậy, công tác chuyển giao TBKT được xem là một trong những bước đột phá trong sản xuất, nâng cao giá trị vị thế vụ Đông, tạo nên sự gắn bó hơn của nông dân với đồng ruộng. Nông nghiệp là nghề chính của nông dân, qua xây dựng mô hình, các TBKT cần được chuyển giao kịp thời cho nông dân. Thông qua tham quan, hội thảo, tập huấn, giúp nông dân tiếp cận, nắm vững, chủ động áp dụng TBKT mới vào sản xuất với quy mô lớn hơn.

Những kết quả bước đầu của việc chuyển giao TBKT trong nông nghiệp, nông thôn còn làm nên sự thay đổi lớn trong tư duy làm vụ Đông của nhà nông. Tạo động lực cho phát triển sản xuất hàng hóa và xây dựng nông thôn mới ở Vĩnh Tường.

 

Hồng Quân (báo Vĩnh Phúc)

Danh sách hội viên

Đăng ký hội viên

Vui lòng điền thông tin đăng ký sau đây

Họ và tên
Giới tính
Email

Hát về Vĩnh Tường