Cập nhật 13/02/2019 12:00:00 SA

Vĩnh Tường mở rộng vùng sản xuất rau an toàn

Những năm qua, Vĩnh Tường thực hiện quy hoạch, dồn thửa đổi ruộng, đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, trong đó, chú trọng mở rộng phát triển vùng sản xuất rau an toàn, góp phần nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác và mở ra hướng làm giàu, thoát nghèo cho nhiều nông hộ.

 

Chỉ với 500m2 nhà lưới trồng rau sạch đã đem lại thu nhập cho gia đình ông Nguyễn Văn Kiên, xã Bình Dương (Vĩnh Tường) từ 35 - 40 triệu đồng/năm

Vĩnh Tường có hơn 1.700 ha đất canh tác chuyên sản xuất rau màu các loại, mỗi năm,cung cấp cho thị trường khoảng 80.000 tấn rau, củ, quả các loại. Nhiều vùng rau hàng hóa ở Đại Đồng, Tân Tiến, Thổ Tang, Yên Lập, Bình Dương, Vĩnh Sơn… được sản xuất theo hướng an toàn, VietGAP, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho các nông hộ và khắc phục tình trạng bỏ trống đất nông nghiệp đang diễn ra tại một số địa phương.

Ông Nguyễn Văn Kiên, xã Bình Dương cho biết: "Nắm bắt nhu cầu, hiệu quả từ trồng rau màu khá lớn, nhất là nhu cầu rau sạch, an toàn, năm 2017, sau khi xuất ngũ về quê, tôi và gia đình thực hiện chuyển đổi dồn ghép hơn 2.000 m2 đất nông nghiệp để trồng hoa, cây cảnh, sản xuất rau màu.

Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Sở Khoa học và Công nghệ, gia đình xây dựng hơn 500m2 nhà lưới sản xuất rau an toàn. Mùa nào thức ấy, gia đình sản xuất đủ các loại rau từ cải đắng, cải Hồng Kông, đỗ, dưa chuột đến các loại rau gia vị hành, ớt…

Với sản lượng hiện tại, vườn rau của gia đình không đủ cung cấp cho các hộ quanh khu vực. Qua hơn 1 năm trồng thử nghiệm có thể thấy lợi nhuận từ trồng rau an toàn khá cao, chỉ với 500m2 nhà lưới đã đem về cho gia đình từ 35 – 40 triệu đồng/năm. Đáp ứng nhu cầu về thực phẩm sạch, rau an toàn của người dân ngày càng cao. Thời gian tới, gia đình tiếp tục mở rộng quy mô canh tác tập trung vào các loại rau, củ, quả có giá trị kinh tế cao như bí, dưa chuột".

Nhận thấy tiềm năng, hiệu quả không nhỏ từ sản xuất rau, nhất là khi được đầu tư, xây dựng và khẳng định thương hiệu rau sạch, rau an toàn góp phần mang lại hiệu quả thu nhập cho bà con nông dân, thời gian qua, Vĩnh Tường tiếp tục quy hoạch, nhân rộng vùng sản xuất rau an toàn.

Dựa vào cơ sở quy hoạch vùng, Vĩnh Tường bước đầu đã xây dựng thành công các mô hình, vùng sản xuất chuyên canh như: Bí đỏ tại Yên Lập, Kim Xá, Việt Xuân; rau an toàn tại Đại Đồng, Tân Tiến, Thổ Tang, Bình Dương, Vĩnh Sơn… Đây chính là điều kiện tốt để Vĩnh Tường mở rộng và xây dựng thương hiệu rau sạch, an toàn của địa phương.

Để mở rộng vùng sản xuất rau sạch, an toàn, ngoài việc quy hoạch, định hướng cho nông dân, Vĩnh Tường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp chuyển giao tiến bộ KHKT, tập huấn về sản xuất rau an toàn, làm thay đổi tập quán canh tác và hạn chế sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất; triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ và các quy định của tỉnh, huyện trong việc sản xuất rau an toàn.

Thực tế, với lợi thế về đất đai, khí hậu, Vĩnh Tường thu hút nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp tới tìm hiểu cơ hội hợp tác làm nông nghiệp sạch với bà con nông dân. Theo đó, nhiều mô hình sản xuất rau sạch, an toàn đã và đang hình thành như: Mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap ở Vĩnh Ninh (2ha) cung cấp cho Tập đoàn Vingroup; mô hình trồng bí đỏ quy mô 100ha ở Yên Lập; mô hình trồng khoai tây ở Vĩnh Ninh; mô hình trồng sen lấy củ ở Ngũ Kiên, Vĩnh Thịnh…

Tuy nhiên, việc quản lý, phát triển mở rộng vùng sản xuất rau sạch, an toàn ở Vĩnh Tường còn gặp nhiều khó khăn, do nông dân sản xuất quy mô nhỏ lẻ, phân tán, sự liên kết giữa các hộ sản xuất, doanh nghiệp với nông dân chưa nhiều; sự liên kết giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp, HTX, nông dân còn chưa chặt chẽ, nhiều hợp đồng bị phá vỡ vì không hài hòa được lợi ích giữa các bên; sản xuất rau an toàn theo quy trình, tiêu chuẩn VietGap nhưng không đăng ký để cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận rau đạt tiêu chuẩn VietGap dẫn đến khó khăn trong việc đánh giá chất lượng cũng như giá bán, nên không thể thâm nhập vào các cửa hàng rau sạch, siêu thị. Do vậy, người tiêu dùng chưa thực sự tin dùng, người sản xuất chưa bán được rau sạch, an toàn theo đúng giá trị thực.

Ông Lê Đức Anh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Tường cho biết: "Để phát triển, nhân rộng vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn, thời gian tới, Vĩnh Tường làm tốt công tác quy hoạch, định hướng, tuyên truyền để người nông dân hiểu được lợi ích khi sản xuất nông nghiệp sạch; có chính sách thu hút đầu tư nhằm thúc đẩy áp dụng rộng rãi mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất, phân phối đến người tiêu dùng, hướng tới một nền nông nghiệp sạch, bền vững".

Theo Báo Vĩnh Phúc

Danh sách hội viên

Đăng ký hội viên

Vui lòng điền thông tin đăng ký sau đây

Họ và tên
Giới tính
Email

Hát về Vĩnh Tường