• Trở về trang chủ
  • Hồi ký

Cập nhật 13/05/2014 12:00:00 SA

Hồi ký phần 1 "QUÊ HƯƠNG LÀ ĐƯỜNG ĐI HỌC"

     Ngày nắng cũng như ngày mưa, tôi không nghỉ một buổi học nào. Đường đi trơn truột khi mưa nước rửa trôi hết lớp bề mặt còn lại những mảnh sành đi bằng chân trần không có dép không cẩn thận sẽ bị xây xát. Ấy vậy nhưng đi học vẫn là niềm đam mê của tôi mặc dù mới chỉ là lớp vỡ nòng nét chữ ngoạch ngoạc nhưng tôi thường được thầy giáo Điệt khen ngợi, bà giáo thường nói với tôi “Cháu nhỏ bé nhưng lại sáng dạ”.

    Khi tôi lớn lên, lần đầu tiên cắp sách tới trường vào năm 1957. Gọi là trường nhưng chỉ là một nhóm học sinh học nhờ vào nhà cụ Chánh đồ, là anh của ông nội tôi, do thầy giáo tự nguyện dạy thường gọi tên là “ Ông Thận” nay đã mất (cụ Thận là bố đẻ của nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch xã Lý Nhân Nguyễn Văn Tại). Sau đó, tôi tiếp tục được ông nội tôi cho tôi theo học tại nhà “Ông giáo Điệt” cụ cũng đã mất (cụ là ông ngoại của cháu Nguyễn Cường). Đi học ở nhà ông giáo cũng chỉ có khoảng gần 20 học sinh, con đường đi học dài hơn vì nhà ông ở tận giữa làng, và cũng từ đó tôi mới biết cái tên làng tôi là làng Thùng Mạch, còn gọi là Bàn Mạch Hạ.
Quê hương tôi bị tạm chiếm, hầu như gia đình nào cũng bị phân hóa, trong cùng một dòng họ, cùng anh em ruột thịt nhưng có người thì làm lý trưởng, chánh tổng, sếp bốt bảo an…cho chế độ thực dân; có người thì hoạt động du kích hoặc đi bộ đội cụ Hồ. Tôi sinh ra khi dân làng còn chìm trong súng đạn và lớn lên khi hòa bình lập lại. Vì quá nhỏ tôi không nhớ được một hình ảnh nào của việc đi tản cư, hay chạy càn chỉ có một hình ảnh duy nhất còn đọng lại của tôi là một hôm tôi đang đứng cùng mẹ tôi ở ngoài vườn ngước nhìn lên trên đê thấy có một đoàn lính tây mặc đồ sooc đi về phía Việt Trì, có bộ đội ta kiểm soát. Mẹ tôi nói “Lính Tây ra hàng do có chiến thắng Điện Biên Phủ bây giờ đang giải đi trên ga Việt Trì để giải đi đâu đó”.
Ngày nắng cũng như ngày mưa, tôi không nghỉ một buổi học nào. Đường đi trơn truột khi mưa nước rửa trôi hết lớp bề mặt còn lại những mảnh sành đi bằng chân trần không có dép không cẩn thận sẽ bị xây xát. Ấy vậy nhưng đi học vẫn là niềm đam mê của tôi mặc dù mới chỉ là lớp vỡ nòng nét chữ ngoạch ngoạc nhưng tôi thường được thầy giáo Điệt khen ngợi, bà giáo thường nói với tôi “Cháu nhỏ bé nhưng lại sáng dạ”.
Hết lớp vỡ lòng tôi bước vào ngưỡng cửa của Trường cấp 1 Lý Nhân. Đường đi cũng vẫn như cũ từ nhà đến trường đi trên đê, thời đó đê còn thấp và nhỏ nhưng tôi và các bạn tôi vẫn chăm chỉ hàng ngày. Trường cấp 1 Lý Nhân cũng nằm sát ven đê gần Chợ Thùng bây giờ, vẫn ở chỗ cũ gần Đình làng chỉ duy có trường học là chuyển đi. Lại nói đến trường nhưng cũng chỉ là 6 gian nhà tường xây lập bằng lá cọ hoặc lá mía, mãi đến khi tôi học lớp 4 mới có 6 gian nhà này, có sân trường và cột cờ. Vào ngày đầu tuần, lá cờ đỏ sao vàng được đưa lên hiên ngang trước gió. Thầy hiệu trưởng trường tôi là thầy Khổng Trọng Thái - vui tính đức độ. Sau 10 năm, vào năm 1972 tình cờ tôi được gặp lại thầy lúc đó là Trưởng ban tổ chức Ty Giáo dục Vĩnh Phú. Đó là lần tôi cầm quyết định phân công công tác của trường Đại học Sư phạm Hà Nội về Ty giáo dục Vĩnh Phú (lúc đó còn sơ tán tại thôn Bướm, xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao, tỉnh Vĩnh Phú). Gặp lại thầy hiệu trưởng cũ vừa mừng vừa xúc động tôi òa khóa, thầy trò hàn huyên. Ôi! Cái thời chiến tranh nhọc nhằn phải đạp xe đạp từ lúc 5h sang để tránh máy bay bắn phá cầu Việt Trì; khi về cũng phải căn sao cho đến cầu Việt Trì khoảng 5h30 hoặc 6h chiều. Sau 3 - 4 lần đi lại cuối cùng tôi cũng được thầy ưu ái phân công về trường cấp 3 Thạnh Phú - Yên Lãng. Tuổi thơ gắn liền với đường đi học, tuổi thơ gắn liền với những đêm trăng vằng vặc, đêm hè oi bước, bọn bạn bè tôi túm 5 tụm 7 chơi trên đê. Thời đó sao ánh trăng sáng thế, trên đê cao mát rượi có thể còn đọc được chữ in to trên mặt báo. Quê hương thanh bình, tiếng sáo diều vi vu. Nói về làm diều sáo tôi không bao giờ quên được anh em nhà chú Thành, Tuân làm diều sáo rất giỏi. Rất tiếc, chú Tuân - là liệt sỹ trong chiến tranh chống Mỹ, nhưng tiếc thay cũng như vô số gia đình khác, hiện nay gia đình vẫn chưa đón được chú về nơi sinh quán.
Ký ức tuổi thơ, con đường đi học cũng đồng hành với tôi suốt năm tháng học trò. Năm 1963, do hồi đó xã tôi chưa có trường cấp 2 nên chúng tôi đã phải đi học nhờ tại trường cấp 2 Tuân Chính, cạnh xã tôi. Đường đi xa hơn, qua cánh đồng, qua những bờ ruộng ướt sương trên ngọn cỏ, phảng phất một mùi thơm dễ chịu của cánh đồng lúa đang thời con gái hoặc những tiếng rì rào khe khẽ của những hạt phấn làm đòng. Cảnh đồng quê êm ả ôm ấp lũ học trò ngây ngô ăn cơm độn sắn, độn ngô, quần áo nâu sòng đi chân đất đùa vui với gió.
Hết cấp 2 lúc nào cũng không hay! Thời gian không chờ đợi ai, ba năm trôi đi nhanh chóng tôi lớn lên cả về thể xác lẫn tinh thần. Năm 1964 giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Mới 15, 16 tuổi tôi cũng có thể đi làm đồng cùng với bà con lối xóm làm cỏ, tát nước, cấy, gặt, thả trâu, cắt cỏ điều được cả, mỗi lần có tiếng máy bay bay qua phải xuống tăng xê - hầm trú ẩn, lặng yên thì phải làm tiếp. Cả quê hương làng xóm ai ai cũng hăng hái sản xuất, nhất là vào vụ gặt sân kho hợp tác xã rộn rang vang tiếng đập lúa trong đêm.
Hợp tác xã thủ công cũng được thành lập vì làng tôi có nghề truyền thống làm rèn - cái nghề mà ông nội tôi vẫn thường nói, đỏ lửa là có tiền, ráo mồ hôi là hết tiền. Khi chưa có hợp tác xã thì nhà nào nhà ấy cứ tập trung mấy anh em lại thành một lò riêng biệt gồm 5 người: người rèn là chính phụ vào đó là người đàn, người gọt, người mài, người thổi bễ ấy vậy mà dao, kéo, cuốc cào của làng tôi được đưa đi khắp nơi tiêu thụ. Khi có HTX thủ công thì công việc một lò lẻ tẻ không còn nó phân bổ cho mọi gia đình, không cứ gì phải là anh em. Làng tôi bắt đầu có điện, tập trung chủ yếu vào việc làm rèn, thôn xóm rộn hẳn lên, tiếng đe búa vang vang nhiều hơn, bớt đi một phần công việc nặng nhọc, không phải người ngồi quạt cho thợ rèn, không phải người kéo bễ thổi lửa thay vào đó là quạt điện, mô tơ quay đỏ than hồng. Quê tôi đổi mới, có 2 hợp tác xã hỗ trợ cho nhau để phát triển kinh tế và vì thế bước chân đến trường của tôi cũng như gần lại.
Những tối thứ 7, chủ nhật tạm gác bài vở chúng tôi lại tham gia vào đội thiếu niên tiền phong để tập múa hát phục vụ những tối văn nghệ của xã. Ngày đó phong trào văn nghệ rất vui vẻ để phục vụ nhân dân những ngày mệt nhọc. Tôi còn nhớ như in đội văn nghệ của thôn gồm những ai, hay đóng vai vua nhất là Chú Dẫn, anh Thỉnh, hay đóng vai chính diện là anh Phúc, cô Do, chị Viên, chị Duyên… Đội thiếu niên của chúng tôi sinh hoạt vui tươi lành mạnh, nhân ngày đại hội Đảng bộ xã tôi được các anh chị lớn tuổi hơn kết nạp vào Đoàn đi chào mừng đại hội Đoàn gồm có anh Ế (Điệp) – đã hy sinh, anh Ngâm, anh Nguyệt … và một số anh chị em khác nữa tôi không nhớ hết. Tôi ôm bó hoa lên kỳ đài chúc mừng đại hội còn cái Lộc bạn tôi thì ngâm bài thơ “Ba mươi năm đời ta có Đảng” của Nhà thơ Tố Hữu. Ngước nhìn lên bàn chủ tịch tôi thấy có Bác Kham, bác Đạm, Bác Lãm các bác ấy là những đảng viên đầu tiên của thôn, bố tôi cũng vậy nhưng ngày đó còn trong quân ngũ.
Năm 1965, tôi thi vào lớp 8 của trường cấp 3 Vĩnh Tường sau 2 năm trường thành lập. Quãng đường đi học lại xa hơn, nó tỷ lệ thuận với tuổi của tôi tuổi càng lớn thì đường đi học càng dài, đi học ở trường huyện lúc đó cả huyện Vĩnh Tường chỉ có một trường cấp 3 do thầy Cai Văn Vĩnh làm hiệu trưởng. Thầy già đeo kính lão nghiêm nghị nhưng thương trò và vui tính – đó là ngôi trường nằm ở gần cầu Hương của con Sông Phan giáp ranh với xã Thượng Trưng. Ngôi trường có 18 gian nhà xây lập ngói cửa sổ bằng kính ngoài có cửa chớp mỗi lớp học có bảng xi măng gắn vào tường có bục giảng còn lại là vài ngôi nhà lá. Trước khi thi vào lớp 8, khi vào trường đăng ký nộp đơn, tôi ngỡ ngàng và ao ước được vào trường vừa đẹp vừa sang trọng. Điều đó đã thúc tôi phải thi thật tốt để vào trường. Và rồi điều ước mơ ấy đã thành sự thật. Bây giờ ngồi nghĩ lại tôi thấy chúng tôi ngày đó giỏi quá từ nhà đến trường 5km ấy vậy mà cứ vừa đi vừa học vừa chạy dậy từ 5h30 sáng lục đục ăn sáng cũng có khi có cũng có khi không đi quanh co trên đường làng tôi thường đi lên nhà bạn Mộng sau đó đến nhà bạn Thịnh rồi đi tắt qua nhà Bác Thanh Đạm chui qua rặng rào nhà bác Thị, bác Năm Phi, ra đầm Ngà, sang xóm Lâm, xóm Mới và thế là đến trường. Lại rảo chân trên bờ cỏ ruộng lúa thân thương. Quê hương là đường đi học, cái tuổi thơ sôi nổi vụng về chỉ biết có học và giúp mẹ việc nhà vô tư đến dại khờ.
Học cấp 3 đồng nghĩa với tuổi thanh niên đi học một buổi về đi làm đồng một buổi, hè đến thì sinh hoạt với chi đoàn thanh niên của xã của thôn, hăng hái không quản ngại một việc gì. Cái tuổi 17 bẻ gẫy sừng trâu, đâu cần thanh niên có đâu khó có thanh niên với phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “ tất cả cho tiền tuyến”. Một kỷ niệm khó có thể làm tôi quên được là một buổi họp chi đoàn thanh niên của thôn, khi có lệnh cần một số đoàn viên đi làm đường ở Xã Phượng Lâu nơi giặc Mỹ coi đó là mục tiêu bắn phá, cả hội trường sôi nổi xung phong, tôi cũng xung phong nhưng vì đoàn viên sinh hoạt hai chiều nên không được chấp thuận, duy chỉ có hai chị là: Chị Do, chị Dón được tổ chức đồng ý, thế là hôm sau chúng tôi tiễn hai chị lên đường nghẹn ngào và xúc động. Khoảng một tháng sau tin sét đánh ngang tai: Hai chị đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Bom Mỹ chẳng từ ai! chiến tranh là thế đấy. Chi đoàn chúng tôi đưa các chị về trong đêm, mộ hai chị được đặt trong nghĩa trang liệt sỹ của xã. Thắp nén tâm nhang vĩnh biệt, chúng tôi dưng dưng lệ. Các chị thật xứng đáng với tuổi xuân là niềm tự hào của quê hương, tôi càng thấy mình phải học tốt hơn làm việc nhiều hơn để trả thù cho hai chị cũng như các anh chị em khác đã hy sinh tại chiến trường.
Mỗi lần về quê tôi thường hay ra nghĩa trang liệt sỹ thắp những nén hương thơm tưởng nhớ tới các bác, các chú, các anh chị đã vì dân vì nước không tiếc tuổi xuân đánh giặc giành lại độc lập tự do cho dân tộc trong đó có bác tôi, chú tôi, các anh chị tôi và bẹn bè tôi nữa. Nhìn những tấm bia trên mộ tôi thường dừng lại lâu hơn ở mộ chú tôi: Nguyễn Tẩm mộ chí đây như gia đình tôi vẫn chưa đưa được chú tôi về. Đã bao lần chị em tôi đi tìm ở nghĩa trang liệt sỹ Việt – Lào nhưng đều vô vọng vì mộ chú tôi là một trong hàng ngàn mộ liệt sỹ chưa biết tên. Tiếp đó là mộ bác tôi “Nguyễn Văn Yển” người chính trị viên đại đội kiên trung tôi không hề biết mặt đã hy sinh trong trận đánh ác liệt bên bờ Sông Đuống, Bắc Ninh và đây nữa là mộ của các Bác Kiện, Bác Lư, Bác Quyền, Bác Quy. Tôi được nghe kể về các bác do chú Kiểm Duyệt có một lần đã cho tôi biết thật đáng khâm phục, do có chỉ điềm trong một trận càn, giặc Pháp đã bắt được 3 bác: Bác Lư, Bác Kiện, Bác Quy, các bác đã anh dũng chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, đến hơi thở cuối cùng, chúng giết ba bác rồi phơi trên đường. Tiếp đó chúng bắt được chú Duyệt, bác Gia, chúng trói lại dẫn đi qua xác ba bác để răn đe. Rất may chú Duyệt và Bác Gia đêm đó đã tự cởi trói được cho nhau và thoát đi lên huyện Lập Thạch là vùng tự do. Các bác, các chú, các anh chị, các bạn tôi an nghỉ tại đây, làng tôi đời đời nhớ ơn họ như các anh hùng liệt sỹ.
Ba năm học cấp 3 cũng lại thoáng qua nhanh. Thế là 10 năm học phổ thông từ khi chập chững viết những dòng chữ đầu đời cho đến khi biết viết văn, làm toán tôi và bạn bè tôi đã đi trên con đường làng, đi trên cánh đồng ngô lúa không biết là mấy mươi ngàn km, quen chân tưởng như trong đêm tối bước đi nhẹ nhàng không bị lạc, những ký ức tuổi thơ ấy đã ăn sâu vào con tim khối óc của tôi. Rồi năm 1968 tôi xa quê - một bước ngoạt của cuộc đời, tôi đi học đại học sư phạm cái nghề vẫn được coi là cái máy kéo của mọi máy kéo; nghề kỹ sư tâm hồn, nghèo, thanh bạch nhưng có khi nào tôi lại lãng quên đi được con đường tôi đi học ở quê tôi - cái làng Thùng nằm dài theo đê sông Hồng đỏ lực phù sa. Nhớ quê tôi đã viết 10 câu thơ mộc mạc để mỗi khi tự nhủ mình tôi
Xa quê mười tám tuổi đời
Con không quên được những lời mẹ ru
Nước non sạch bóng quân thù
Bắc Nam một dải trời thu xanh màu
Con dù có ở nơi đâu
Nhớ về quê mẹ nhớ câu du hời
À ơi! Tiếng mẹ đưa nôi
Quê hương ấp ủ chúng tôi lớn dần
Lớn lên con tự lập thân
Làng quê thôn xóm luôn gần bên con.

    Nay tuy sống giữa lòng thủ đô nhưng cái tên “Làng Thùng Mạch” vẫn là chốn tôi quay về khi tuổi đã xế chiều có một lần đi trên tuyế xe Bus nghe đài trên xe hát bài Con sông quê hương : “Quá nửa đời người phiêu bạt con lại về úp mặt vào sông quê” mà tôi ngấn lệ vì quá đỗi nhớ quê. Quê hương tôi cũng có dòng sông Hồng đỏ lựng phù sa. Vào mùa nước cạn chúng tôi thường sang bãi Tràng cắt cỏ cả ngày, sáng nắm cơm với muối giềng đem đi để ăn trưa. Cả một bãi bồi rộng lớn, có bông mật, cỏ mần trầu, cỏ gà…đủ các loại mọc xen lẫn trong các bãi ngô, bãi mía, hương cỏ thơm thoảng qua thoang thoảng quanh làn gió. Cứ chui trong bãi ngô, bãi mía chẳng sợ gì vì con người lúc bấy giờ sống hiền lành yêu thương nhau đúng là hương đồng gió nội, tình người đầy thân thiện. Chiều về đứa nào đứa nấy đã đầy ắp một đôi quang cỏ đã ngả sang màu ghi vì cỏ đã được phơi nắng suốt một ngày. Một kỷ niệm mà bây giờ nghĩ lại tôi thấy rùng mình ấy là một hôm tôi cùng mấy đứa bạn đi cắt cỏ, sáng đi nước còn cạn trơ con đường mòn từ bến đầu thôn Vân Hà, ấy thế mà chiều về nước bắt đầu lên chúng tôi lội, lúc đầu nước chưa ngập bàn chân rồi đến mắt cá chân, cứ thế sang đến bờ nước đã ngập đến đùi, gánh cỏ nặng nhưng nhờ có sức nước nên nhẹ như không, khi lên bờ nó nặng trĩu vì ngấm nước. Chúng tôi chia nhau lên từng người một rồi cùng nhau kéo từng bên cỏ lên. Thế mới biết sức sống tuổi thanh xuân thật mãnh liệt, vất vả là thế đó nhưng lại rất vui, rất vô tư cười khanh khách quên mệt.
Quê hương là con đò nhỏ, quê hương là đường đi học, quê hương là đêm trăng tỏ, quê hương là con diều biếc…có lẽ quê tôi có đủ mọi thứ đó nên tôi mạnh dạn gửi bài viết này cũng là lời tâm sự sẻ chia tự đáy lòng tôi với các anh chị em cùng quê để chúng ta cùng hiểu nhau hơn, càng đoàn kết hơn, như anh em trong một nhà, như cây cùng gốc, có vui cùng hưởng có nạn cùng lo.
Chúc đồng hương ai ai cũng được vạn sự như ý.
Chào thân ái.
Hà Nội, tháng 5 năm 2014
Nguyễn Thị Thưởng – 31A, ngách 18/10 Ngõ Gốc Đề, Minh Khai, Hà Nội.
ĐT: 0121.227.2030

BLL HĐH Lý Nhân

Tin liên quan
Danh sách hội viên

Đăng ký hội viên

Vui lòng điền thông tin đăng ký sau đây

Họ và tên
Giới tính
Email

Hát về Vĩnh Tường