Cập nhật 28/04/2024 10:55:52 SA

Thơ và đời bà Chúa thơ nôm

Hồ Xuân Hương con cụ đồ nho Hồ Phi Diễn, một cụ đồ nghèo. Cụ rời quê đi dạy học ở vùng Hải Dương, Kinh Bắc. Cụ lấy một người họ Hà làm vợ lẽ, sinh hạ được một “công chúa” đặt tên là Hồ Xuân Hương sau này nổi danh là một nữ sĩ. Và cũng sau này, cách bà hàng thế kỷ, nhà thơ Xuân Diệu tôn vinh bà là “Bà chúa thơ nôm”

Cuộc đời và thơ của Hồ Xuân Hương cứ như huyền thoại, hầu như ai cũng biết ít nhất một chuyện về cuộc đời và thuộc ít nhất một bài thơ độc đáo của Hồ Xuân Hương.

Thơ Hồ Xuân Hương có hai lần khóc chồng!

Hồ Xuân Hương khóc Tổng Cóc:

Chàng Cóc ơi, chàng Cóc ơi

Thiếp bén duyên chàng có thế thôi

Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé

Ngàn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi

Người đời hiểu rất ít về Tổng Cóc hoặc hiểu rất sai về nhân vật này. Tổng Cóc không phải là một anh trọc phú mà là một nho sĩ đàng hoàng, từng có phen lều chõng đi thi và gặp gỡ Hồ Xuân Hương từ chuyện chữ nghĩa chứ đâu phải chuyện tiền bạc.

Hồ Xuân Hương khóc Tổng Cóc không phải khóc người quá cố. Bà khóc cho thân phận mình. Tiếc một mối tình đã mất, hờn giận, nguyền rủa anh em họ mạc nhà chồng cũng bằng cách nói chữ nghĩa ám chỉ dòng giống cóc, nhái. Tổng Cóc tên thật là Kình, vì làm chức Phó tổng nên gọi là Tổng Kình. Có lẽ là con nhà hiếm, ngày xưa có tục gọi bằng cái tên xấu xí cho… dễ nuôi, cho ma quỷ khỏi quấy đảo, vì thế gọi là… thằng Cóc. Bài thơ gửi ông Tổng Cóc khi ông đang sống chứ không phải khóc người chết như nhiều người hiểu lầm.

Tổng Cóc bén duyên Hồ Xuân Hương cũng từ văn chương. Dịp tết nọ, Cóc và một số nho sinh đến mừng tuổi thầy. Hồ Xuân Hương ra một vế đối mời “các anh” đối: “Tối Ba Mươi khép cánh càn khôn kẻo nữa ma vương đưa quỷ tới”. Trong khi các anh khóa đang còn bí, Cóc ta đối: “Sáng Mồng Một mở then tạo hóa để cho thiếu nữ rước Xuân vào”. Thầy đồ khen là có khiếu văn chương hàng đầu. Lời khen của cha đã làm Hồ Xuân Hương mến mộ chàng Cóc, giúp họ chóng nên duyên. Tổng Cóc cũng là tay chơi, đã cưới Xuân Hương làm vợ lẽ. Chàng dựng hẳn một căn nhà nhỏ giữa ao cho nàng ở và cũng là “Nhà thủy tọa” đàm đạo văn chương thơ phú. Nhưng rồi bởi những sinh hoạt của họ không hợp ý của họ hàng, cuối cùng mối tình tan vỡ. Nàng bỏ đi. Chưa kịp con cái gì.

Còn Hồ Xuân Hương khóc ông Phủ Vĩnh Tường:

Trăm năm ông Phủ Vĩnh Tường ôi

Cái nợ ba sinh đã trả rồi

Chôn chặt văn chương ba thước đất

Tung hê hồ thỉ bốn phương trời

Cán cân tạo hóa rơi đâu mất

Miệng túi càn khôn khép lại rồi

Hăm bảy tháng trời đà mấy chốc

Trăm năm ông Phủ Vĩnh Tường ôi!

Tổng Cóc dò la được vợ về Vĩnh Tường, đang ở trong dinh quan phủ. Tổng Cóc mò xuống phủ, lân la chờ cơ hội gặp được người giúp việc nhà quan phủ để hỏi dò. Nàng đã làm lẽ quan phủ, đẻ được một con gái nhưng đứa bé chết yểu. Cuối cùng lại một lần nữa hạnh phúc tan vỡ, Hồ Xuân Hương bỏ về Thăng Long, mở trường dạy học, mở quán, tìm niềm vui ở ven hồ Tây.

Thơ Hồ Xuân Hương hầu hết bắt nguồn từ cuộc sống đời thường, có tính chất úp mở hai mặt, nước đôi, nghĩa đen phô ra, nghĩa bóng nói về chuyện buồng the, tình yêu nam nữ. Hồ Xuân Hương đã đưa cuộc sống và ngôn ngữ trần tục vào thơ một cách điêu luyện.

Đến nay và mãi mãi, Hồ Xuân Hương vẫn rất hiện đại. Nỗi đau tình ái, mãnh lực của dục vọng, tình yêu bị chia sẻ vẫn đồng hành trong nỗi cảm thông của nhân loại. Thế giới đánh giá cao về Hồ Xuân Hương, xem là nữ sĩ hàng đầu châu Á. Nhiều nước đã dịch toàn bộ thơ của bà và giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của bà.

Phó Đức An

Tin liên quan
Danh sách hội viên

Đăng ký hội viên

Vui lòng điền thông tin đăng ký sau đây

Họ và tên
Giới tính
Email

Hát về Vĩnh Tường