Cập nhật 30/09/2016 12:00:00 SA

Vĩnh Tường bảo tồn văn hóa vật thể từ xã hội hóa

Tính đến thời điểm này (2016 - nay), trên địa bàn huyện Vĩnh Tường đã có hàng chục công trình văn hóa được trùng tu, tôn tạo với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Điều đáng nói, nguồn vốn Vĩnh Tường dùng để trùng tu, tôn tạo các ti tích văn hóa đều từ đóng góp của nhân dân .

 Quê hương giàu giá trị văn hóa

Những ngày đầu năm 2015, chúng tôi đến thăm huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Cách bên kia sông Hồng là thị xã Sơn Tây ( Hà Nội), Vĩnh Tường trước kia là một vùng quê miền đất gốc của đỉnh châu thổ sông Hồng (Phong Châu). Đây là điểm khởi đầu hình thành tam giác châu thổ đồng bằng Bắc Bộ. Nơi sản sinh ra huyền thoại về con Hạc trắng “Bạch Hạc” hội tụ trên mặt trống đồng của nền văn hóa Đông Sơn, hình thành nên Nhà nước Văn Lang của các vua Hùng. Những điều đó tạo nên cho địa phương này có một nên văn hóa lâu đời và phong phú. Một hệ thống đình, đền, chùa đồ sộ với hàng trăm di tích gắn liền với lịch sử của mảnh đất này.


Chùa Tân Cương.

Chùa tân cương

Cụ thể, hiện nay, trên địa bàn huyện Vĩnh Tường có tổng số 239 di tích (gồm 73 đình, 80 chùa, 11 đền, 24 miếu, 04 quán, 25 điếm, 04 nhà thờ họ, 06 nhà thờ công giáo, 01 nhà thờ tổ nghề, 02 lăng mộ, 01 văn chỉ, 04 di tích khảo cổ, 04 di tích lịch sử), trong đó có 18 di tích được xếp hạng cấp quốc gia; 49 di tích được xếp hạng cấp tỉnh có. Hệ thống di tích này bao gồm nhiều loại hình thuộc 4 nhóm di tích chính là: lịch sử văn hoá, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh và khảo cổ học, tiêu biểu như: Đình Thổ Tang, đền Phú Đa, v.v... Các di tích này không chỉ có phong cách của kiến trúc truyền thống, bề dày lịch sử hay cảnh quan thiên nhiên đẹp mà còn mang trong mình cả một hệ thống cổ vật, di vật và các giá trị di sản văn hoá phi vật thể vô cùng quý giá.


Chùa Trống Việt Xuân đang được thi công.

Chùa Trống - Việt Xuân

Tuy nhiên, qua những thăng trầm của lịch sử, cùng với quá trình đô thị hóa, một số di tích phải đối mặt những nguy cơ bị “ xóa sổ ” và chìm vào quên lãng. Trùng tu và tôn tạo các di tích văn hóa không chỉ là một nỗi niềm trăn trở của cơ quan chức năng mà đó còn là trách nhiệm và nhiệm vụ của mỗi người con trên quê hương Vĩnh Tường.

 


Chùa Lực Điền Yên Bình.

Đến Lực Điền

Kết quả bước đầu

Xác định việc trùng tu, tôn tạo các di tích cũng là để phát huy những bản sắc văn hóa, góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh, trong những năm qua, Vĩnh Tường đã huy động nội lực, làm tốt công tác xã hội hóa tu bổ, tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn huyện.

Trao đổi với PV Văn hiến, ông Lê Nguyễn Thành Trung, Chánh Văn phòng UBND huyện Vĩnh Tường được biết: “Những năm gần đây, một số công trình văn hóa trên địa bàn huyện Vĩnh Tường được trùng tu, tôn tạo ngoài kinh phí của nhà nước, cùng với đó kinh phí xã hội hóa cũng giúp nhiều công trình hoàn thành sau nhiều năm bị ngưng trệ. Hầu hết công tác xây dựng, tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích trên địa bàn đều được thực hiện đúng trình tự, quy định của Luật Di sản và hướng dẫn của Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch”.

Ông Trung cũng cho biết thêm : “ Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, công tác xã hội hóa trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích được nhân dân ủng hộ cả về vật chất lẫn ngày công. với số vốn đầu tư khoảng trên 165 tỷ đồng. Điển hình như: Chùa Tùng Vân, chùa Thiên Phúc, cụm di tích lịch sử văn hóa đình, đền, chùa thôn Diệm Xuân, xã Việt Xuân, việc quy hoạch, xây dựng đền Liệt sỹ huyện Vĩnh Tường,... Tất cả đều được huy động nguồn lực từ sự đóng góp cả về vật chất lẫn ngày công của nhân dân với tổng số vốn đầu tư lên đến trên 150 tỷ đồng. Đây là một sự đóng góp rất lớn của nhân dân nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước đầu tư cho lĩnh vực này vốn đã rất eo hẹp”.

Theo ông Lê Văn Thắng - Phòng Văn hóa và Thông tin Vĩnh Tường khái quát một số kinh nghiệm về việc huy động nguồn lực trong công tác xã hội hóa trùng tu di tích ở huyện Vĩnh Tường sau gần 10 năm triển khai. Theo ông Thắng đánh giá từ thực tiễn trên có thể thấy, để làm tốt công tác xã hội hoá bảo tồn, phát huy di sản văn hoá dân tộc cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp uỷ đảng, chính quyền và các tổ chức tập thể, cá nhân, của cộng đồng dân cư. Thông qua đó thu hút, tập hợp quần chúng đóng góp, bảo vệ di tích; đồng thời sử dụng đúng mục đích các nguồn tài chính của di tích để phục vụ cho việc tu bổ.

Cụ thể hơn, ông Thắng kể cho chúng tôi trong ngày đầu tiên tiến hành huy động nguồn lực để trùng tu một ngôi chùa trong huyện:“ Trước khi làm, chúng tôi cũng không dám mơ ước nhận được nhiều sự ủng hộ từ bà con. Nhưng khi vào việc, chúng tôi hoàn toàn bất ngờ, không những giúp về vật chất, bà con lại cùng chúng tôi bàn tính, giám sát và cũng tham gia đóng góp ngày công vào việc trung tu di tích. Mọi người đều vui vẻ, tích cực tự nguyện tham gia. Đó là một động lực thúc đẩy cho công việc được thuận lợi”.

Những di tích lịch sử văn hóa của mỗi địa phương là tài sản vô cùng quý giá mà lịch sử đã dành tặng cho địa phương đó, việc có di tích văn hóa lịch sử là niềm vinh dự của mọi người. Những đình, chùa, di tích lịch sử lại gắn liền với truyền thống hào hùng của quê hương, là nơi những người ở nơi xa hướng về hay những người khi về quê đến dâng hương thành kính với tổ tiên.

Công tác trùng tu, bảo vệ di tích không chỉ được thực hiện bởi các cơ quan chức năng, đó là quyền và nghĩa vụ của toàn thể nhân dân. Những thành tựu và bài học kinh nghiệm được đúc rút qua quá trình triển khai công tác xã hội hóa trùng tu di tích ở huyện Vĩnh Tường là một điểm sáng tích cực cho các địa phương khác còn gặp khó khăn trong quá trình tìm nguồn vốn đầu tư cho công tác trung tu di tích lịch sử học tập và làm theo./.

Theo vanhien.vn

Danh sách hội viên

Đăng ký hội viên

Vui lòng điền thông tin đăng ký sau đây

Họ và tên
Giới tính
Email

Hát về Vĩnh Tường