Cập nhật 30/09/2016 12:00:00 SA

Nâng tầm nghề chăn nuôi bò sữa của Vĩnh Phúc

Nghề chăn nuôi bò sữa được hình thành ở Vĩnh Phúc từ năm 2000, trải qua 15 năm gây dựng với nhiều thăng trầm, đến nay chăn nuôi bò sữa đã thực sự trở thành một nghề góp phần tạo công ăn việc làm, đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân, nhiều địa phương trong tỉnh. Tính đến hết năm 2014, tổng số bò sữa của tỉnh là hơn 7.600 con đứng thứ 8 cả nước và thứ 2 ở vùng đồng bằng sông Hồng (sau thành phố Hà Nội). Chăn nuôi bò sữa phát triển nhất ở huyện Vĩnh Tường (chiếm khoảng 90% tổng đàn), còn lại phân bố ở các huyện Yên Lạc, Lập Thạch, Tam Đảo và thành phố Vĩnh Yên. Xu hướng tiếp tục phát triển nhanh ở địa bàn trung du, miền núi và vùng đất bãi ven sông. Chăn nuôi bò sữa hiện tại mang lợi nhuận rất cao. Trung bình một bò sữa đang khai thác cho lãi khoảng 25-28 triệu đồng/năm. Lợi nhuận cao và thị trường ổn định trong những năm qua là động lực cho rất nhiều hộ dân muốn nuôi mới và mở rộng quy mô chăn nuôi bò sữa

 Có thể nói xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường là cái nôi và cũng là thủ phủ của nghề nuôi bò sữa ở Vĩnh Phúc. Từ 50 con bò sữa được huyện Vĩnh Tường đưa về làm mô hình điểm tại thôn Khách Nhi Trại, trải qua bao khó khăn thử thách, nhưng với những nỗ lực bền bỉ của chính quyền và người dân nơi đây, “Chủ” và “Vật nuôi” đã gắn bó với nhau để nghề chăn nuôi bò sữa trở thành nhân tố quan trọng giúp người dân địa phương thoát nghèo vươn lên làm giàu. Bây giờ đến xã Vĩnh Thịnh, hình ảnh đầu tiên bắt gặp là những cánh đồng cỏ voi xanh tốt hút tầm mắt, qua đó cũng đủ hiểu nghề chăn nuôi bò sữa ở địa phương này phát triển đến mức nào. Tính đến hết năm 2014, xã Vĩnh Thịnh có gần 800 hộ gia đình chăn nuôi bò sữa với tổng đàn gần 3.600 con, bò khai thác sữa 1.600 con, sản lượng sữa hàng hóa đạt 8.754 tấn. Trao đổi với bà Nguyễn Thị Hà, thôn An Lão Ngược chúng tôi được bà chia sẻ: Gia đình bà nuôi bò sữa gần 7 năm nay, hiện trong chuồng có 6 con bò mẹ đang cho khai thác sữa, năng suất sữa đạt 5 tấn/bò mẹ/ chu kỳ khai thác, với giá bình quân 14.500 đồng/kg, năm 2014 gia đình bà thu được trên 400 triệu đồng, trừ chi phí còn lợi nhuận trên 200 triệu đồng.
Nuôi bò sữa ở Vĩnh Thịnh - Vĩnh Tường
Gia đình anh Đặng Văn Quân, thôn An Lão Xuôi, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Tường nuôi 10 con bò sữa,
khai thác 150lít sữa/ngày, tạo thu nhập ổn định. (Ảnh Báo Vĩnh Phúc)
Qua tìm hiểu được biết, quy mô nuôi bò sữa như gia đình bà Hà mới chỉ là thường thường bậc trung trong xã. Ở Vĩnh Thịnh có những đại gia nuôi bò sữa với quy mô 15 – 20 con như ông Quý Giáp, gia đình anh Đặng Văn Thành, Hoàng Văn Tiếp, Đỗ Gia Việt, Trần Trọng Bằng,… những người đó là những hạt nhân góp phần tạo nên thương hiệu bò sữa Vĩnh Thịnh, đồng thời tạo sức lan tỏa của nghề chăn nuôi bò sữa ra các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Nói đến nghề chăn nuôi bò sữa ở Vĩnh Phúc, ngoài xã Vĩnh Thịnh còn phải kể đến xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc. Ông Nguyễn Văn Khước – nguyên Chủ nhiệm HTX chăn nuôi bò sữa Trung Nguyên, đồng thời cũng là một hộ trực tiếp tham gia nuôi bò sữa cho biết: Năm 2001 xã Trung Nguyên có 14 hộ đầu tiên nuôi bò sữa với tổng số 37 con, số tiền để mua được 1 con bò giống lúc đó vào khoảng 30 triệu đồng, đây thật sự là số vốn không hề nhỏ đối với một gia đình nông thôn. Nhưng vì niềm đam mê, các gia đình đã phải dốc toàn bộ số tiền tích lũy được và vay thêm vốn ngân hàng để đầu tư mua bò giống. Thời gian đầu các hộ nuôi bò sữa ở đây cũng gặp phải vô số khó khăn, khác biệt với nhiều lĩnh vực sản xuất khác, các công đoạn trong sản xuất chăn nuôi bò sữa diễn ra và gắn kết chặt chẽ với nhau, từ việc đảm bảo kỹ thuật chăn nuôi, phòng chữa bệnh tốt để bò khỏe mạnh, sinh sản và cho nhiều sữa, sữa bò được khai thác hàng ngày và phải được tiêu thụ ngay trong ngày. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sữa của nông dân xã Trung Nguyên thời gian đầu cũng gian nan vất vả. Các hộ nuôi bò sữa phải tự gom sữa với nhau, bảo quản thủ công và tự vận chuyển đến bán theo nhu cầu mua của nhà máy. Có những thời điểm nghề nuôi bò sữa ở Trung Nguyên rơi vào khủng hoảng thực sự khi chịu ảnh hưởng từ những thông tin thất thiệt về sữa nhiễm “Melamine” cuối năm 2008. Lửa thử vàng, gian nan thử sức! hơn khi nào hết, các cấp lãnh đạo, những người chăn nuôi vẫn khẳng định niềm tin, bình tĩnh khắc phục khó khăn, Từ 2009 chăn nuôi bò sữa đã lấy lại được sự ổn định và từng bước phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vĩnh Phúc, ngành chăn nuôi bò sữa của tỉnh trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả khích lệ. Cụ thể, số lượng bò sữa trên địa bàn tỉnh tăng từ 346 con năm 2001 lên 2.374 con năm 2011; đến hết năm 2014 đạt gần 7.600 con, sản lượng sữa đạt 11.883 tấn. Giai đoạn 2009 – 2014 đàn bò sữa tăng bình quân 33,46%/năm, sản lượng sữa tăng bình quân 34,38%/năm. Chăn nuôi bò sữa tiếp tục chuyển dịch rõ rệt; hình thành được vùng sản xuất hàng hóa giúp nhiều hộ chăn nuôi phát triển kinh tế, làm giàu từ nghề chăn nuôi bò sữa tại một số xã vùng bãi ven sông Hồng của huyện Vĩnh Tường và các xã ven sông Phó Đáy, huyện Lập Thạch. Để đạt được những kết quả nêu trên, trong thời gian qua, tỉnh đã tập trung ưu tiên chọn lọc, lai tạo đàn bò sữa có từ 75-85% máu bò HF trở lên. Trong đó, áp dụng tiến bộ kỹ thuật thụ tinh nhân tạo trong công tác phối giống bò sữa (đạt 100%); hỗ trợ 100% tinh bò, dụng cụ vật tư liên quan. Công tác xử lý môi trường luôn được tỉnh chú trọng, đến nay đa số các hộ đã xây dựng hầm Biogas để xử lý chất thải chăn nuôi. Nhiều hộ chăn nuôi bò sữa đã sử dụng hệ thống làm mát bằng phun sương kết hợp quạt mát để chống nóng cho bò vào mùa hè; đệm nền chuồng để hạn chế bệnh viêm móng; trồng nhiều giống cỏ mới có năng suất, chất lượng để làm thức ăn cho bò sữa. Sử dụng máy vắt sữa, máy thái cỏ phục vụ chăn nuôi bò sữa. Mặt khác, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay ngân hàng cho các hộ chăn nuôi bò sữa, mức vay 30 triệu đồng/con, chu kỳ 18 tháng. Hỗ trợ 100% vắc xin, hóa chất tiêu độc khử trùng cho đàn bò sữa với các bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng và các loại thuốc khử trùng tiêu độc 2 lần/năm trên phạm vi toàn tỉnh; hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo tập huấn kỹ thuật cho đội ngũ kỹ thuật, dẫn tinh viên và các hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh.
Từ những thành quả đã đạt được và những lợi thế mà nghề chăn nuôi bò sữa Vĩnh Phúc đang có như: Còn có quỹ đất có thể chuyển đổi phục vụ chăn nuôi bò sữa; người dân sẵn sàng mở rộng sản xuất; tiềm năng để tăng năng suất sữa còn lớn; có thị trường đầu ra cho sản phẩm (theo dự báo của Bộ Công thương, đến năm 2020 nếu Việt Nam có 500 ngàn bò sữa thì sản lượng sữa trong nước mới đáp ứng được 38% tổng nhu cầu nội địa); đã hình thành vùng chăn nuôi có quy mô lớn thu hút sự đầu tư của doanh nghiệp và đội ngũ nông dân chăn nuôi bò sữa có kinh nghiệm;… Nghề chăn nuôi bò sữa được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc. Mục tiêu đến năm 2020, đưa tổng đàn bò sữa của tỉnh lên 15.000 con, năng suất sữa đạt 6 tấn/con/chu kỳ khai thác. Tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã xây dựng hệ thống các giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu trên như: Quy hoạch và hỗ trợ phát triển bền vững khu chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư; hỗ trợ cơ sở hạ tầng một số khu chăn nuôi tập trung làm điểm (đường giao thông, đường điện, hệ thống sử lý chất thải ô nhiễm môi trường); đào tạo người chăn nuôi bò sữa chuyên nghiệp có trình độ, kỹ năng về: Sử dụng thức ăn; phối trộn thức ăn; chế biến thức ăn; chăm sóc bò; trồng, chăm sóc cỏ; phòng trừ dịch bệnh; vệ sinh thu y, vệ sinh ATTP; quản trị cơ sở chăn nuôi: hộ, trang trại,… Hỗ trợ xây dựng trang trại chăn nuôi bò sữa an toàn và quản trị tốt. Tập huấn, tư vấn, hỗ trợ các trang trại áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt và được chứng nhận VietGap. Hỗ trợ xây dựng và áp dụng hệ thống hồ sơ theo dõi đàn bò sữa. Hỗ trợ phát triển HTX chăn nuôi bò sữa và liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Phát triển thương hiệu và thị trường tiêu thụ sữa. Hỗ trợ bảo hiểm cho chăn nuôi bò sữa.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng ngành chăn nuôi bò sữa hiện tại của tỉnh cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đó là: Quy mô chăn nuôi bò sữa còn nhỏ, chủ yếu là chăn nuôi nông hộ trong khu dân cư nên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; nuôi bò sữa đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao trong khi những người mới nuôi thường chưa nắm vững kỹ thuật nên dễ xẩy ra rủi ro; giá một con bò sữa rất cao nên nhiều hộ dân không đủ khả năng đầu tư; đầu ra của sản phẩm có những thời điểm còn chưa ổn định nên gây tâm lý hoang mang cho người dân. Tại hội thảo “Phát triển chăn nuôi bò sữa phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp Vĩnh Phúc” do Sở Nông nghiệp & PTNT phối hợp với UBND huyện Vĩnh Tường tổ chức, các đại biểu đều cho rằng: Vấn đề khó khăn nhất hiện nay chính là việc xây dựng các khu chăn nuôi bò sữa tập trung ngoài khu dân cư. Việc này còn vướng về chính sách đất đai; nhận thức của người dân trong việc tự nguyện dồn thửa đổi ruộng để quy hoạch khu chăn nuôi tập trung; nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng khu chăn nuôi tập trung rất lớn trong khi người dân chưa tự nguyện đóng góp mà còn tư tưởng trông chờ vào nhà nước.
Được biết huyện Vĩnh Tường có 1.463 hộ chăn nuôi bò sữa nhưng mới chỉ có 144 hộ chăn nuôi theo hướng trang trại ngoài khu dân cư. Một đồng chí lãnh đạo xã Vĩnh Thịnh cho biết: Xã Vĩnh Thịnh đã quy hoạch mỗi thôn 1 khu chăn nuôi tập trung, xã có 15 thôn, tương đương với 15 khu chăn nuôi tập trung. Phương án này đã được huyện Vĩnh Tường chấp thuận. Kế hoạch của xã trong năm 2015 là chọn 2 thôn An Lão Trên và Khách Nhi Ngược làm điểm.
Đến thăm trang trại chăn nuôi bò sữa ngoài khu dân cư của gia đình Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh – Đặng Văn Thành tại thôn An Lão Trên (anh cũng là một trong những người tiên phong làm mô hình điểm này) chúng tôi nhận thấy: Trên diện tích 500 m2 anh dành 150 m2 để xây dựng sân chơi cho bò, còn lại là khu vực chuồng trại. Mỗi ngày đàn bò được lùa ra sân cho vận động từ 5 – 6 tiếng. Hiện trong chuồng nhà anh đang có 18 con bò sữa, gần một nửa trong số đó đang trong thời kỳ khai thác. Anh Thành cho biết: Bò chăn nuôi ở đây khỏe mạnh, dễ sinh sản, tuổi thọ và số lần sinh sản của bò mẹ cao hơn so với những con bò bị nuôi nhốt quanh năm, năng suất và chất lượng sữa theo đó cũng được nâng lên. Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, những mô hình chăn nuôi như thế này đang góp phần quan trọng vào việc cải thiện môi trường ở Vĩnh Thịnh.
Nhìn lại chặng đường hơn một thập kỷ đã qua đi qua với bao gian nan thử thách để Vĩnh Phúc có được một nghề mới bên cạnh bao nghề truyền thống khác. Biết rằng sản xuất nông nghiệp nói chung luôn gặp nhiều khó khăn, riêng ngành sản xuất sữa còn chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia khác. Song yêu nghề, nghề chẳng phụ công từ những thành công và thất bại đã trải qua các cấp lãnh đạo và người chăn nuôi bò sữa Vĩnh Phúc sẽ có chiến lược đúng đắn để nâng tầm nghề chăn nuôi bò sữa Vĩnh Phúc từ quy mô hộ gia đình lên thành quy mô trang trại trong các khu chăn nuôi tập trung và trở thành ngành hàng đủ sức cạnh tranh cấp vùng.

Theo sở NNVP

Danh sách hội viên

Đăng ký hội viên

Vui lòng điền thông tin đăng ký sau đây

Họ và tên
Giới tính
Email  

Hát về Vĩnh Tường