Cập nhật 17/04/2015 12:00:00 SA

Dự án nghìn tỉ, thi công rùa bò

Dự án “Cải tạo, nâng cấp đê tả sông Hồng kết hợp với làm đường giao thông” với số vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Nhưng đến nay, tiến độ thi công dự án ì ạch, nhiều công đoạn “đắp chiếu”, gây bức xúc trong dư luận.

Biển đề công trường đang thi công nhưng vắng bóng người, phương tiện thi công. Ảnh: HC
Biển đề công trường đang thi công nhưng vắng bóng người, phương tiện thi công. Ảnh: HC

Vốn thì lớn, làm thì chậm

Năm 2011, do hệ thống đê tả Sông Hồng đoạn qua các huyện Yên Lạc và Vĩnh Tường bị xuống cấp, xuất hiện nhiều ổ mối có thể ảnh hưởng đến sự an toàn tính mạng cho người dân vào mùa lũ lụt, cùng với mục đích thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương nên UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã lập dự án, giao cho hai huyện Yên Lạc và Vĩnh Tường làm chủ đầu tư thực hiện dự án “Cải tạo, nâng cấp đê tả sông Hồng kết hợp với làm đường giao thông”.

Tại huyện Vĩnh Tường, dự án được chia thành 3 gói thầu (tổng giá trị gần 1.500 tỉ đồng) do các nhà thầu là Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, liên danh Công ty Quảng Lợi và Công ty TNHH Thương mại Hải Hưng thực hiện xây dựng. Tại huyện Yên Lạc (có tổng dự toán được phê duyệt trên 1.171 tỉ đồng), gói thầu số 4 từ Km 23 + 663,00 + km28 + 65,00 do Công ty Xây dựng Yên Lạc, Vĩnh Phúc thực hiện thầu.

Với mức đầu tư lên đến hàng nghìn tỉ đồng như vậy, đúng ra dự án sẽ  phải được đấu thầu để chọn nhà thầu phù hợp, có đủ năng lực, nhưng với lý do là tính cấp bách của dự án nên UBND huyện Yên Lạc, UBND huyện Vĩnh Tường đã lựa chọn hình thức chỉ định thầu cho các nhà thầu trên.

Cuối tháng 12/2011, dự án được khởi công rầm rộ, hàng nghìn người dân địa phương vui mừng vì sắp có một tuyến đê an toàn, mang lại cơ hội phát triển kinh tế. Tuy nhiên đến nay, những gì đang diễn ra tại dự án này lại khiến người dân thất vọng. Theo cam kết, dự án thực hiện đến tháng 12/2013 phải hoàn thành. Nhưng theo quan sát của phóng viên, đến thời điểm hiện tại, nhiều đoạn đang “đắp chiếu”, nhiều đoạn thi công cầm chừng.

Thực tế cho thấy, tại gói thầu qua địa bàn huyện Yên Lạc, nhà thầu sau khi đắp được một số đoạn đê thì dừng hẳn thi công từ hơn 2 năm nay. Trên mặt đê là những ụ đất lớn không được san gạt. Còn tại huyện Vĩnh Tường, các gói thầu do Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện cũng vắng bóng công nhân thi công, các gói thầu vẫn nham nhở, khác xa với khẩu hiệu mà công ty này trưng ra là hoàn thành vào tháng 12/2013.

Trao đổi với phóng viên, người dân ở đây bức xúc cho biết, công trình làm như… rùa bò, ảnh hưởng đến môi trường, đời sống sinh hoạt của hàng nghìn người.

Ban quản lý không tính hết được vấn đề?

Biển đề cam kết tiến độ thực hiện dự án.
Biển đề cam kết tiến độ thực hiện dự án.

Theo tìm hiểu của phóng viên, toàn tuyến dự án qua huyện Yên Lạc và Vĩnh Tường có tổng mức đầu tư trên 2.600 tỉ đồng. Làm việc với phóng viên, ông Bùi Thanh Bình - Phó Ban quản lý dự án huyện Vĩnh Tường thừa nhận dự án chậm tiến độ. Theo ông Bình thì tại Vĩnh Tường, dự án đến nay đã giải ngân được khoảng 600 tỉ đồng/khoảng 1.500 tỉ đồng. Trong đó, gói thầu số 1 và số 3 do Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn nhận thầu với tổng số vốn đầu tư của cả 2 gói thầu khoảng hơn 940 tỉ đồng. Gói 1 đầu tư hơn 40 tỉ đồng, đã được cấp 20 tỉ; gói 3 khoảng 900 tỉ, đã được cấp hơn 300 tỉ. Riêng gói thầu số 2 được chỉ định thầu cho liên danh Công ty Quảng Lợi và Công ty TNHH Thương mại Hải Hưng với số vốn đầu tư hơn 100 tỉ đồng, đã được cấp hơn 40 tỉ.

Khi được hỏi: Chủ đầu tư có cam kết là dòng tiền đã giải ngân có thực sự được đầu tư cho dự án? Ông Bình biết mọi cái đều thể hiện trên hồ sơ và không bình luận về vấn đề này. Ông Bình cũng cho rằng, lý do dự án chậm tiến độ là vì chưa bố trí được vốn, khó khăn trong việc tìm nguồn lấy đất đắp đê (?!). Được biết, khối lượng thi công các gói thầu của dự án đạt được từ 15 đến trên 30%...

Khi phóng viên hỏi: Trong quá trình thẩm tra, lên kế hoạch xin phê duyệt dự án, chủ đầu tư đã tính toán như thế nào mà để dự án chậm tiến độ như hiện nay? Đại diện Ban quản lý dự án huyện Vĩnh Tường cho rằng, đã không tính hết được vấn đề!

Còn tại UBND huyện Yên Lạc, khi được hỏi, lãnh đạo huyện này cũng thừa nhận là các gói thầu của dự án đang “đắp chiếu”, chưa bố trí được nguồn vốn, tổng giá trị khối lượng đạt được khoảng 30% cho các gói thầu.

Dư luận tại Vĩnh Phúc cho rằng, chủ đầu tư đã… giương mục tiêu ý nghĩa dân sinh, tính cấp bách để được chỉ định thầu. Khi chỉ định xong rồi thì làm cầm chừng, loay hoay lo nguồn vốn. Kết cục là người dân địa phương chịu khổ!

Theo báo giadinh.net.vn

Danh sách hội viên

Đăng ký hội viên

Vui lòng điền thông tin đăng ký sau đây

Họ và tên
Giới tính
Email

Hát về Vĩnh Tường