• Trở về trang chủ
  • Hoạt động

Cập nhật 09/08/2018 12:00:00 SA

Quy chế hoạt động hội đồng hương Thượng Trưng

Quy chế hội đồng hương Thượng Trưng tại Hà Nội

 
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc
=== ˜z ===
                                                  Hà Nội, ngày  05  tháng  08   năm 2018.
QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
HỘI ĐỒNG HƯƠNG XÃ THƯỢNG TRƯNG - VĨNH TƯỜNG - VĨNH PHÚC TẠI HÀ NỘI
----------------
 
Chương 1
TÊN GỌI, MỤC ĐÍCH VÀ TÔN CHỈ
Điều 1:  Tên gọi.
Hội Đồng hương xã Thượng Trưng – Vĩnh Tường – Vĩnh Phúc tại Hà Nội (gọi tắt là Hội Đồng hương Thượng Trưng – Hà Nội), được thành lập tại Hà Nội ngày   05/08/2018.
Điều 2:  Mục đích và tôn chỉ.
Hội Đồng hương Thượng Trưng – Hà Nội là một tổ chức xã hội sinh hoạt tự nguyện, là nơi hội tụ của tất cả những người cùng quê xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đang sinh sống tại Hà Nội.
Mục đích hoạt động của hội vì lợi ích cộng đồng những người cùng quê hương. Hội không theo đuổi mục đích kinh tế, lợi ích cá nhân và lợi ích cục bộ địa phương.
Hoạt động của hội nhằm xây dựng khối đại đoàn kết giúp đỡ nhau ngày càng ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; chia sẻ khó khăn trong rủi ro hoạn nạn; phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, lành mạnh; tôn trọng và chấp hành chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và các qui định khác của địa phương.
Hội tạo điều kiện để các hội viên trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, trong học tập và phát triển việc làm, tổ chức giao lưu thăm hỏi nhau trong việc hiếu hỷ, cũng như khi hội viên bị ốm đau, bệnh tật hoặc gặp tai nạn rủi ro. Khi phát triển có đủ điều kiện, Hội tổ chức hội viên đi tham quan khám phá mở rộng tầm hiểu biết các danh thắng, di sản, nền kinh tế - xã hội và văn hóa các vùng miền trong và ngoài nước.
Hội góp phần và duy trì việc phát huy truyền thống hiếu học, vượt khó, có ý chí phấn đấu vươn lên của các thế hệ để làm giàu cho bản thân và góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Hội là cầu nối những người con xa xứ ở Hà Nội với quê hương xã Thượng Trưng, vận động hội viên làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ tại nơi mình sinh sống và góp sức xây dựng quê nhà.
Điều 3:  Trụ sở của hội.
Trụ sở đặt tại Hà Nội.
 
Chương 2
HỘI VIÊN

       Điều 4:    Điều kiện làm hội viên:
Tất cả những người cùng quê hương xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đang sinh sống ở Hà Nội từ đủ 18 tuổi trở lên, tự chủ được hành vi, chấp nhận quy chế này, tự nguyện đăng ký gia nhập, được Hội chấp nhận và đóng hội phí đầy đủ đều có thể trở thành hội viên.
Điều 5:   Quyền lợi và nghĩa vụ của hội viên.
5.1. Quyền lợi.
-  Hội viên có quyền ứng cử, đề cử, và bầu cử vào Ban liên lạc của Hội.
- Hội viên được tham gia mọi hoạt động của Hội.
- Hội viên và con em của hội viên có nhiều thành tích trong hoạt động xã hội, trong học tập sẽ được tuyên dương và  khen thưởng.
- Hội viên gặp hoàn cảnh khó khăn sẽ được Hội giúp đỡ động viên về tinh thần và vật chất tùy theo khả năng của hội.
5.2. Nghĩa vụ.
- Hội viên phải tự giác tuân thủ quy chế hoạt động của Hội, tích cực tham gia các hoạt động của Hội trên tinh thần xây dựng và phát triển Hội ngày càng lớn mạnh.
- Không phát ngôn và có những hành vi làm phương hại đến danh dự uy tín của Hội.
- Đóng hội phí đầy đủ theo quy định của Hội.
-  Hội viên không tuân thủ quy chế của Hội khi mắc sai lầm về phát ngôn hoặc có hành vi gây chia rẽ khối đoàn kết của cộng đồng làm phương hại đến uy tín, danh dự và lợi ích chung của Hội thì tùy theo mức độ vi phạm, Hội sẽ có hình thức nhắc nhở hoặc tẩy chay, xóa tên khỏi danh sách của hội.
 
Chương 3
NHIỆM VỤ VÀ CƠ CÂU TỔ CHỨC
Điều 6:  Nhiệm vụ.
6.1. Hội có nhiệm vụ tổ chức tuyên truyền động viên mọi người gia nhập Hội, xây dựng chương trình hoạt động cho phù hợp với tôn chỉ mục đích của Hội được quy định tại Điều 2 của Quy chế này.
6.2. Xây dựng khối đại đoàn kết nhất trí để thực hiện nhiệm vụ của Hội.
6.3. Tổ chức tốt hệ thống thông tin, diễn đàn của Hội để các hội viên có điều kiện giao lưu và kịp thời thông tin hai chiều giữa hội viên với Ban liên lạc của hội về các thông tin cần thiết trong hoạt động của Hội.
6.4. Kịp thời chăm lo giúp đỡ đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên theo chương trình hoạt động của Hội.
 Điều 7: Cơ cấu.
7.1.  Hội có các Chi hội với những hội viên cùng thôn ở quê nhà: Thượng Trưng, Thụ Trưng, Lâm, Mới (gồm cả Tây Lư), Phú Hạnh, Phú Trưng, Phú Thứ.
7.2. Mỗi Chi hội có 01 Chi hội trưởng và có thể có 01 Chi hội phó, Chi hội trưởng đồng thời là ủy viên của Ban liên lạc Hội.
7.3. Chi hội trưởng có trách nhiệm và là đầu mối kết gắn, tổ chức mọi hoạt động của Hội tới các hội viên; và ngược lại, hội viên với Hội.
Điều 8: Ban liên lạc.
8.1.  Tổ chức điều hành của hội là Ban liên lạc.
8.2. Thành phần, số lượng Ban liên lạc của Hội do hội nghị toàn thể của hội bầu ra. 8.3. Nhiệm kỳ của Ban liên lạc là 02 năm.
8.4. Ban liên lạc gồm:
- 01 Trưởng ban và một số Phó Trưởng ban, trong đó có 01 Phó Trưởng ban kiêm Thư Ký.
- Kế toán, Thủ quỹ và các tiểu ban khác tham mưu cho Ban liên lạc khi thấy cần thiết.
- Chi hội trưởng của các Chi hội.
8.5.  Tiêu chuẩn thành viên của Ban liên lạc: Thành viên của Ban liên lạc là hội viên ưu tú, nhiệt tình, có nhiều đóng góp cho hoạt động của Hội, có đủ sức khỏe, thời gian, có uy tín, được đa số các hội viên bầu ra, có đại diện các Chi hội.
8.6. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban liên lạc:
- Quản lý, điều hành mọi hoạt động của Hội bao gồm cả đối nội, đối ngoại theo chương trình kế hoạch và quy chế của Hội.
- Họp định kỳ 06 tháng một lần và có thể họp bất thường khi cần thiết do Trưởng ban triệu tập.
- Thay mặt Hội tổ chức mừng thọ cho hội viên chẵn 5 hoặc 0 bắt đầu từ 70 tuổi; tham dự và có quà chúc thọ cha, mẹ thân sinh hai bên chồng hoặc vợ của hội viên cao tuổi thọ 80 – 85 – 90 – 95 - 100 tuổi.
- Thăm hỏi khi ốm đau (nằm viện hoặc bệnh nặng), việc hiếu, việc hỷ bản thân hội viên hoặc thân nhân là con, cha, mẹ thân sinh hai bên chồng hoặc vợ của hội viên; thăm hỏi, giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh thực sự khó khăn, gặp tai nạn, rủi ro, động viên tạo điều kiện hỗ trợ theo khả năng tài chính của hội.
- Thay mặt Hội bình xét khen thưởng, kỷ luật.
Điều 9:  Hội họp.
9.1. Kỳ họp:
- Tổ chức họp mặt toàn thể hàng năm ít nhất một lần  . Những lần khác sẽ được ấn định và thông báo cụ thể.
- Họp nhiệm kỳ toàn thể hội viên 02 năm 01 lần.
9.2. Nội dung:
- Thông qua báo cáo đánh giá kết quả hoạt động, tài chính trong kỳ và phương hướng hoạt động kỳ tiếp theo.
- Kết nạp hội viên mới và thông báo các hội viên vắng, khuyết.
- Quyết định bổ nhiệm, bãi nhiệm thành viên Ban liên lạc.
- Mừng thọ.
- Khen thưởng, kỷ luật.
- Phiên họp nhiệm kỳ bầu ra Ban liên lạc theo nhiệm kỳ mới.
Điều 10: Khen thưởng, kỷ luật.
10.1. Hội viên có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác hoạt động của Hội, đóng góp xây dựng Hội được xét tặng giấy khen và quà của Hội.
10.2. Hội viên và con của hội viên có thành tích xuất sắc trong công tác, học tập từ cấp quận, huyện trở lên, đạt thủ khoa các trường, đạt thành tích huy chương vàng, bạc qua các kỳ thi trong nước và quốc tế về các mặt, được Hội trao giấy khen và quà thưởng tùy theo khả năng tài chính của hội.
10.3. Hội viên vi phạm quy chế Hội bị xem xét kỷ luật.
            
Chương 4.
TÀI CHÍNH
Điều 11:   Nguồn thu.
11.1.  Hội phí của Hội phải được thông qua nhất trí của đa số hội viên, do hội viên tự nguyện đóng góp hàng năm, với mức thu tối thiểu là 200.000 đồng / hội viên; không giới hạn mức tối đa. Các hội viên thuộc diện nghèo, khó khăn sẽ được xem xét. Mức hội phí có thể được điều chỉnh đáp ứng hoạt động thực tế của Hội và được ghi sủa đổi trong quy chế này theo thời kỳ.
11.2. Các khoản thu khác: Các nguồn tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân mạnh thường quân và các nhà hảo tâm.
11.3.  Lãi suất tiền gửi tiết kiệm quỹ hội hàng năm.
11.4. Các hoạt động của Hội có thu khác (nếu có) .
11.5. Hội phí do ủy viên được Ban liên lạc phân công thu trực tiếp vào ngày họp mặt toàn thể của hội.
11.6. Việc thu hội phí phải tuân thủ theo đúng các quy chế của Hội.
Điều 12:  Sử dụng quỹ.
12.1. Chế độ sử dụng quỹ Hội phải được thông qua nhất trí của đa số hội viên và được điều chỉnh phù hợp thực tế tài chính của Hội và được ghi sủa đổi trong quy chế này theo thời kỳ.
12.2. Chi phí cho kỳ họp của Hội gồm tài liệu và liên hoan.
12.3. Mừng thọ hội viên, cha, mẹ hội viên cao tuổi với một phần quà mức 300.000 đồng/cuộc.
12.4. Thăm hỏi hội viên và cha, mẹ của hội viên ốm đau, có hoàn cảnh thực sự khó khăn, gặp tai nạn, rủi ro mức 200.000 đồng/cuộc.
12.4. Chia buồn, phúng viếng hội viên hoặc cha, mẹ hội viên qua đời : 01 vòng hoa và tiền phúng viếng với tổng mức 300.000 đồng/cuộc.
12.6. Gia đình hội viên có việc hỷ có mời hội, hội sẽ có phần quà mức 200.000 đồng/cuộc.
12.7.  Khen thưởng:
- Hội viên có nhiều thành tích xuất sắc trong hoạt động của Hội, đóng góp xây dựng cho Hội (điểm 10.1), được tặng giấy khen và hoa tổng mức 200.000 đồng/cuộc.
-Hội viên và con hội viên có thành tích xuất sắc trong công tác, học tập, rèn luyện (tại điểm 10.2)  được tặng giấy khen và tặng phẩm mức 200.000đ/cuộc.
12.8. Chi ủng hộ quê hương do bị thiên tai và những diễn biến không biết trước, cụ thể được Ban liên lạc cùng bàn bạc thống nhất mức chi và báo cáo tại các kỳ họp theo thời gian tương ứng.
Điều 13:  Quản lý thu, chi quỹ Hội.
Việc quản lý thu và chi quỹ Hội phải được quản lý chặt chẽ, Ban liên lạc mở sổ sách ghi chép đầy đủ chi tiết các khoản thu, chi (kèm theo chứng từ) báo cáo công khai thu, chi mỗi kỳ họp Hội.
 Chương 5.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

       Điều 14:  Quy chế này gồm 05 chương 15 điều. Việc sửa đổi bổ sung quy chế cho phù hợp với tình hình hoạt động thực tế của hội sẽ do hội nghị toàn thể hội viên quyết định.
       Điều 15:  Quy chế này được thông qua ngày    05 /08/2018 và có hiệu lực tức thời.       

 
TM. BAN LIÊN LẠC
 
Chu Xuân Ái
 
 
 
 
 
 
 
 

  

Hội ĐH Thượng Trưng

Danh sách hội viên

Đăng ký hội viên

Vui lòng điền thông tin đăng ký sau đây

Họ và tên
Giới tính
Email

Hát về Vĩnh Tường