• Trở về trang chủ
  • Con người Vĩnh Phúc

Cập nhật 25/04/2024 05:30:45 SA

Đôi nét về đất nước, con người Vĩnh Phúc

Vĩnh Phúc là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, nằm trong 3 vùng quy hoạch: Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng Thủ đô. Tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh Vĩnh Phúc là 1.231,77 km2, gồm 9 đơn vị hành chính: 1 thành phố, 1 thị xã, 7 huyện, dân số 1,020 triệu người.

Vĩnh Phúc nằm ở vị trí địa lý của nhiều nút giao thông quan trọng là đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thuỷ toả đi khắp đất nước; thuận lợi trên trục phát triển kinh tế của Việt Nam và trở thành một bộ phận cấu thành của vành đai phát triển công nghiệp các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Tỉnh Vĩnh Phúc nằm liền kề với thủ đô Hà Nội, tiếp giáp với sân bay quốc tế Nội Bài, là điểm đầu của Quốc lộ 18 đi cảng nước sâu Cái Lân (Quảng Ninh), hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng, Quốc lộ 2 Việt Trì - Hà Giang - Trung Quốc, hành lang đường 18 và đường vành đai IV thành phố Hà Nội...có hệ thống đường sắt Hà Nội - Lào Cai, Quốc lộ 2 chạy dọc tỉnh. Vĩnh Phúc có 4 sông chính là sông Hồng, sông Lô, sông Phó Đáy và sông Cà Lồ.

Vĩnh Phúc có ba vùng sinh thái rõ rệt: đồng bằng, trung du và miền núi hết sức thuận tiện cho phát triển nông - lâm nghiệp, thuỷ sản, công nghiệp và du lịch - dịch vụ. Một trong những ưu thế của Vĩnh Phúc so với các tỉnh xung quanh Hà Nội là có diện tích đất đồi khá lớn của vùng trung du có đặc tính cơ lý tốt thuận tiện cho việc xây dựng và phát triển công nghiệp.

Vĩnh Phúc nằm trong vùng quy hoạch du lịch trọng điểm quốc gia: Có khu nghỉ mát Tam Đảo, với độ cao gần 1.000m so với mực nước biển, nằm trong khu rừng nguyên sinh khoảng 1.500ha. Các hồ có diện tích vài trăm ha mặt nước như Đại Lải, Làng Hà, Đầm Vạc... Nhiều di tích lịch sử, văn hoá được xếp hạng quốc gia như: Tây Thiên, Tháp Bình Sơn… được du khách trong và ngoài nước ngưỡng mộ. Vĩnh Phúc có 03 sân Golf đã đi vào hoạt động: sân golf Tam Đảo, sân golf Nam Đầm Vạc, sân golf Đại Lải.

Do những điều kiện thuận lợi về phát triển kinh tế - xã hội, cũng như khả năng lớn về ngân sách nhà nước, Vĩnh Phúc trong khoảng một thập kỷ vừa qua là địa bàn hấp dẫn đầu tư và có mức đầu tư xã hội cao. Từ năm 1997 (tái lập tỉnh Vĩnh Phúc), kinh tế tỉnh Vĩnh Phúc phát triển nhanh chóng. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 1998 - 2000 rất cao, đạt 18,12%. Giai đoạn 2001-2005 tăng trưởng GDP đạt 15,02%. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt là 15,4%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ tỷ trọng nông lâm nghiệp thuỷ sản. Năm 2008 tăng 17,77%, trong đó: công nghiệp – xây dựng tăng 22,02%; dịch vụ tăng 18,99%; nông lâm nghiệp - thuỷ sản tăng 6,89%.

CƠ CẤU GDP CỦA TỈNH QUA CÁC NĂM

Chỉ tiêu

Năm 2006

Năm 2007

Năm 2008

UTH

năm 2009

KH

Năm 1010

Cơ cấu GDP (theo giá thực tế):

 

 

 

 

 

Công nghiệp - xây dựng:

56,4

59,9

57,5

57,2%

59,0%

Dịch vụ:

26,8

25,7

24,5

27,3%

27,5%

Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản:          

16,7

14,4

18,0

15,5%

13,5%

 

II HẠ TẦNG KỸ THUẬT – XÃ HỘI CỦA TỈNH VĨNH PHÚC:

1. Hệ thống giao thông: Hệ thống hạ tầng giao thông đối ngoại đã và đang được đầu tư hiện đại là những tuyến chính gắn kết quan hệ toàn diện của Vĩnh Phúc với các tỉnh khác trong cả nước và quốc tế.

1.1 Đường bộ:

+ Quốc lộ 2A: là đường trục chạy song song với đư­ờng Cao tốc Hà Nội – Lào Cai  đoạn đi qua tỉnh dài 39 km. Tuyến này thu hút hàng từ các tỉnh lân cận và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh cùng Đư­ờng Cao tốc Hà Nội - Lào Cai để chuyển hàng quá cảnh của tỉnh.

+ Quốc lộ 2B: dài 25 km, chủ yếu thu hút hàng từ các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Tam D­ương, Tam Đảo và lư­ợng khách du lịch sinh thái Tam Đảo nhằm giải quyết nhu cầu vận tải các khu công nghiệp trên địa bàn và phục vụ khách du lịch

- Ngoài ra, Dự án xây dựng hầm  qua núi Tam Đảo đi Thái Nguyên đang được xúc tiến triển khai với chiều dài hầm khoảng 1,57 km, chiều dài đường bộ nối vào hầm 2 bên khoảng 25 km tạo điều kiện giao lưu hàng hoá, hành khách thuận lợi giữa 2 tỉnh và các vùng lân cận trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

+ Quốc lộ 2C: dài 47,75km Tuyến này thu hút hàng hoá từ các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang. Tuyến này qua cầu Vĩnh Thịnh kết nối 2 khu vực Sơn Tây - nơi tập trung nhiều khu công nghệ cao, du lịch , khu công nghiệp và dân cư…nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

+ Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai: đang triển khai xây dựng, chiều dài qua tỉnh Vĩnh Phúc là 41 km, bề rộng nền đường 25,5 m, 4 làn xe. Dự kiến sẽ hoàn thành vào 2010.

+ Mạng lưới đường tỉnh lộ: kết nối thông suốt với các tuyến đường quốc lộ. Các trục giao thông liên thông trong tỉnh đang được thi công theo hướng mở rộng và rút ngắn thời gian lưu thông hàng hoá đến Cụm cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh.

1.2 Đường sắt:

- Tuyến đường sắt chạy qua địa phận Vĩnh Phúc có chiều dài 35 km và 05 nhà ga, là tuyến giao thông quan trọng thuộc tuyến đường sắt liên vận Hà Nội - Lào Cai đi Vân Nam, Trung Quốc. Chính phủ đang triển khai để nâng cấp thành đương sắt cao tốc Hà Nội – Lào Cai; Vĩnh Phúc - Cảng Cái Lân - Cảng Hải Phòng.

- Tại KCN Sơn Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc đang triển khai quy hoạch xây dựng cảng ICD, diện tích 200ha với quy mô hiện đại nhất miền Bắc Việt Nam do Tập đoàn Vinalines đầu tư nhằm cung cấp các dịch vụ kho bãi, chuỗi dịch vụ cung ứng logistics, thông quan hàng hoá với quy trình quản lý tiên tiến, hiện đại nhất.

* Hướng phát triển sắp tới: Nâng cấp tuyến đường sắt hiện có đạt tiêu chuẩn đường sắt cấp I với tốc độ 120Km/h; Xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao (cận cao tốc) Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, chiều dài 380 km với khổ đường 1.435 mm, tốc độ thiết kế 200km/h, đường đôi. Với mục đích vận chuyển hàng hoá khối lượng lớn, vận chuyển hành khách tốc độ nhanh. Kế hoạch đưa vào khai thác từ năm 2015 – 2020.

1.3 Đường sông:

Vĩnh Phúc có 04 sông chảy qua là sông Hồng, sông Lô, sông Cà Lồ và sông Phó Đáy. Sông Hồng và sông Lô là 02 con sông lớn, rất thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa và hành khách đến một số tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng và một số tỉnh phía Bắc, Việt Nam

Hệ thống cảng hiện có: 03 cảng là cảng Chu Phan và Vĩnh Thịnh trên sông Hồng, cảng Như Thụy trên Sông Lô.

 

QUY HOẠCH TỔNG THÊ PHÁT TRIỂN ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA ĐẾN NĂM 2020:

 

Số TT

Tên cảng

Tải trọng tàu (tấn)

Công suất (1.000 tấn/năm)

1.

Đức Bác

200

500

2.

Vĩnh Thịnh

400

500

3.

Như Thụy

400

500

 

1.4 Đường hàng không:

Vĩnh Phúc liền kề với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hoá và đi lại bằng đường không tới các vùng miền của Việt Nam và trên thế giới.

Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt dự án điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Đến năm 2020, sân bay quốc tế Nội Bài sẽ có hai đường cất hạ cánh, có sân đỗ cho 29 máy bay và sau đó nâng lên 43 chỗ đỗ máy bay, có thể tiếp nhận 20-25 triệu hành khách/năm và 260.000 – 500.000 tấn hàng hóa/năm.

2. Cấp điện:

                  Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh nằm trong vùng thuận lợi về cung cấp điện từ lưới điện quốc gia, hệ thống truyền tải và phân phối được quy hoạch và đầu tư đồng bộ đảm bảo thuận lợi, cung cấp đủ nhu cầu cho phát triển các khu công nghiệp của tỉnh. Hiện tại tỉnh đã có  08 trạm 110/35/22KV và 01 trạm 220/22KV với tổng công suất các trạm hơn 700 MVA.

Mục tiêu phát triển điện đến năm 2020 là đảm bảo cấp điện an toàn, liên tục cho các phụ tải công nghiệp (đặc biệt là các khu công nghiệp) mở rộng và nâng cao chất lượng điện cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, phấn đấu có nguồn điện dự phòng 10 - 20%; tổng công suất khoảng 1.250MWA (tổng nguồn cung cấp).

3. Cấp nước: Hệ thống cấp nước đã và đang được đầu tư đảm bảo công suất đủ đáp ứng tốt cho nhu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu phát triển các khu công nghiệp. Vĩnh Phúc hiện có 02 nhà máy nước ngầm có công suất 76.000 m3/ng.đ, xây dựng bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Đan Mạch, Chính phủ Italia, và Nhật Bản:

-  Nhà máy nước Vĩnh Yên với công suất 36.000m3/ngày đêm, cung cấp cho khu vực phía Bắc của Tỉnh.

-    Nhà máy nước Khu vực Phúc Yên và Bình Xuyên công suất 40.000m3/ngđ, cung cấp cho khu vực phía Nam của Tỉnh.

- Ngoài các nhà máy cấp nước trên, hiện tỉnh đang triển khai và kêu gọi đầu tư một số dự án cấp nước lớn lấy nước từ Sông Lô:

+ Dự án JIBIC (Nhật Bản): công suất dự kiến 100.000m3/ngày-đêm, tổng vốn 120 triệu USD; - Nhà máy nước do Tập đoàn DHV (Hà Lan) đầu tư xây dựng với công suất 500.000m3 /ngày-đêm; Nhà máy nước ở khu vực Liễn Sơn công suất đến 2010 khoảng 20.000m3 /ngày-đêm và nâng công suất đến năm 2015 đạt tổng công suất 80.000/ngày-đêm

 

4. Xử lý nước thải:

Tỉnh đã chú trọng đầu tư để đảm bảo nước thải sinh hoạt và công nghiệp được xử lý 100% trước khi thải ra. Tại các khu đô thị và khu công nghiệp đã xây dựng hệ thống sử lý nước thải công nghiệp và sinh hoạt.

Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc đang đầu tư xây dựng 02 nhà máy  xử lý nước thải tại Thành phố Vĩnh Yên và Thị xã Phúc Yên bằng nguồn vốn JBIC của Nhật Bản.

5. Thông tin liên lạc:

Nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc và tạo môi trường đầu tư thuận lợi, tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện chủ trương: Ưu tiên đầu tư xây dựng mạng truyền thông có liên quan đến khả năng đáp ứng cho nhu cầu về cung cấp dịch vụ đa dạng, chất lượng cao, băng thông rộng theo xu thế hội tụ về công nghệ thông tin.

Hệ thống thông tin liên lạc do các nhà dịch vụ viễn thông Vinaphone, Mobilphone, Viettel, S-Phone, E-phone cung cấp, mạng cáp gốc bằng cáp quang, thiết bị hiện đại, đồng bộ đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc trong nước và quốc tế của mọi thành phần kinh tế trong sinh hoạt và sản xuất kinh doanh.

6. Ngân hàng:

Hệ thống ngân hàng Vĩnh Phúc không ngừng đổi mới công nghệ, tăng cường cơ sở vật chất, thực hiện nối mạng thanh toán giữa các ngân hàng trong nước và quốc tế, đồng thời đảm bảo vốn cho nhu cầu vay của các thành phần kinh tế.

7. Hải  quan:

Hải quan Vĩnh Phúc luôn tạo điều kiện thuận lợi đối với các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp. Mọi thủ tục xuất nhập khẩu được khai báo qua mạng. Việc kiểm tra hải quan và thông quan được thực hiện tại Vĩnh Phúc.

8. Nguồn nhân lực:

Vĩnh Phúc có nguồn lao động khá dồi dào, chiếm 66% tổng số dân. Trên địa bàn tỉnh có gần 20 trường đại học, trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề của trung ương và địa phương, quy mô đào tạo hơn 35.000 học sinh, hàng năm có gần 20.000 học sinh tốt nghiệp đáp ứng nhu cầu lao động của mọi thành phần kinh tế. Bên cạnh đó, tỉnh có những Trung tâm đào tạo nghề cung ứng cho các doanh nghiệp.

Hiện nay, tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho phép thành lập Trường Đại học dầu khí Việt Nam và thành lập một Trung tâm đào tạo kỹ thuật cao để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

9. Cơ sở khám chữa bệnh:

Vĩnh Phúc có 02 bệnh viện cấp tỉnh, mỗi huyện, thị xã ít nhất có một Trung tâm y tế và nhiều cơ sở khám bệnh tư nhân. Nhiều dịch vụ y tế kỹ thuật cao được thực hiện tại bệnh viện cấp tỉnh. Phát huy nội lực và được sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển Châu á (ADB), hệ thống y tế nông thôn của tỉnh phát triển đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh tại chỗ cho người dân.

10. Khu đô thị mới:

Tỉnh Vĩnh Phúc đang lập quy hoạch thành phố Vĩnh Phúc với quy mô 300 km2, dân số 1,2 triệu người do Tập đoàn Nikken Sekkei Civil Engineering LTD (Nhật Bản) lập quy hoạch. Bên cạnh mỗi khu công nghiệp đều được quy hoạch xây dựng một khu đô thị nhằm đáp ứng nhu cầu của người nước ngoài và công nhân khu công nghiệp về chỗ ở tiện nghi, chất lượng cao.

Ngân Khánh

Danh sách hội viên

Đăng ký hội viên

Vui lòng điền thông tin đăng ký sau đây

Họ và tên
Giới tính
Email

Hát về Vĩnh Tường