Cập nhật 23/04/2015 12:00:00 SA

Gặp tác giả bài thơ “Gửi nắng cho em”

QĐND - Khi đã bước sang bên kia "sườn dốc" của cuộc đời, nhà thơ Bùi Văn Dung, tác giả lời các ca khúc "Gửi nắng cho em", "Con kênh ta đào" rất đỗi thân quen với công chúng, mới được sống những tháng ngày thảnh thơi trên quê hương xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Nhà thơ Bùi Văn Dung đến với thơ ca như duyên trời định. Năm 1962, ông tình nguyện nhập ngũ rồi trở thành lính pháo binh. Năm 1967, khi đang làm Chính trị viên đại đội, ông được điều động vào miền Nam rồi chiến đấu liên tục đến ngày thống nhất đất nước. Cùng ông xem lại một số tờ báo như: Sài Gòn Giải phóng, Nội san Tuổi trẻ (tiền thân của Báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay) ra những ngày cuối năm 1975, đầu năm 1976, chúng tôi thấy có khá nhiều bài thơ của tác giả ký tên: B Văn Dung. Thơ của ông dung dị mà lại trữ tình, khoáng đạt. Và bài thơ “Gửi nắng cho em” của ông chính thức xuất hiện trên tờ Sài Gòn Giải phóng vào giữa tháng 12-1975 với những lời thơ mộc mạc, da diết: “Anh ở trong này chưa thấy mùa đông/ Nắng vẫn đỏ, mận hồng đào cuối vụ/ Trời Sài Gòn xanh cao như quyến rũ/ Thật diệu kỳ là mùa đông phương Nam/ Muốn gửi ra em một chút nắng vàng…”.

Nhà thơ Bùi Văn Dung chăm sóc cây cảnh tại gia đình.

Đặc trưng khí hậu vùng Nam Bộ thuộc đới cận xích đạo, quanh năm nắng nóng, một hiện tượng thời tiết không lạ nhưng lại trở thành chất liệu cho cảm xúc cho anh bộ đội quê miền Bắc thăng hoa. Âm hưởng của bài thơ đã nhanh chóng được nhạc sĩ Phạm Tuyên chuyển thành giai điệu mượt mà, làm nên ca khúc có cùng tựa đề “Gửi nắng cho em”. Bài hát này lần đầu tiên được phát trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam với chất giọng trữ tình của ca sĩ Ngọc Tân đã nhanh chóng chiếm được tình cảm của đông đảo bạn nghe đài.

Sau này, suốt một thời gian dài kiếm tìm và thư từ, nhạc sĩ Phạm Tuyên và nhà thơ Bùi Văn Dung đã gặp được nhau và trở thành chỗ thân tình, gắn bó. Mỗi khi có dịp về Hà Nội, nhà thơ lại thu xếp thời gian đến thăm nhạc sĩ Phạm Tuyên, đó là sự tri ân, tri kỷ, sự tiếp sức cho quá trình lao động nghệ thuật của mỗi người. Theo nhạc sĩ Phạm Tuyên, phải là một người gắn bó với đồng đất miền Bắc lắm mới có thể viết nên những ca từ đẹp như bài thơ “Gửi nắng cho em”. Bài hát được ông viết rất nhanh và được hầu hết các ca sĩ giai đoạn đó thể hiện thành công. Một điều tình cờ thú vị là từ năm 1976 đến năm 1980, trong rất nhiều bài hát mà nhạc sĩ Phạm Tuyên viết và phổ thơ thì có đến 6 bài hát phổ thơ Bùi Văn Dung. Những bài hát về sau khiến hai người càng có mối quan hệ chặt chẽ hơn.

Khác với ca khúc “Gửi nắng cho em”, nhạc sĩ Phạm Tuyên cắt khổ thứ hai và đảo cấu trúc của bài thơ khi phổ nhạc bài thơ “Con kênh ta đào”. Phạm Tuyên giữ nguyên bản sáng tác của Bùi Văn Dung. Giai điệu ca khúc và nhịp điệu của nó ngay lần đầu thể hiện, nghệ sĩ Ngọc Tân và Thanh Hoa đã đem đến cho người nghe một không khí lao động tràn đầy hạnh phúc và sự hứng khởi, khích lệ tinh thần, tình cảm của mọi người vượt qua những khó khăn sau chiến tranh để dựng xây đất nước.

Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, Bùi Văn Dung nghỉ hưu với quân hàm trung tá. Sau đó, ông được mời ra làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh rồi đảm nhiệm hết hai nhiệm kỳ Bí thư Đảng ủy xã Thượng Trưng. Giờ đây, khi đã về với đời thường, tâm hồn người nghệ sĩ mới có nhiều thời gian để chắt chiu, bộc bạch cảm xúc của mình dành cho thơ, cho con cháu.

Theo báo QĐND

Danh sách hội viên

Đăng ký hội viên

Vui lòng điền thông tin đăng ký sau đây

Họ và tên
Giới tính
Email

Hát về Vĩnh Tường